Thị trường sẽ cần thêm thời gian để tích lũy trước khi hình thành xu hướng mới. Rung lắc có thể xảy ra khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ…
Chứng khoán ngày 7/9, sau 6 phiên liên tiếp tăng điểm lên lại vùng đỉnh giá cao nhất tháng 08/2023 quanh 1.246 điểm. VN-Index đã chịu áp lực điều chỉnh. Đầu phiên VN-Index tiếp tục tạo khoảng trống tăng giá lên vùng 1.250 điểm, sau đó chịu áp lực bán gia tăng. Kết phiên VN-Index giảm 2,36 điểm (-0,19%) về mức 1.243,14 điểm. HNX-INDEX vẫn duy trì tăng 0,78 điểm (+0,31%) lên 256,14 điểm để hướng đến vùng giá thấp nhất tháng 6/2022 quanh 263 điểm.
Độ rộng trên hai sàn niêm yết nghiêng về tiêu cực khi áp lực bán ngắn hạn gia tăng nhiều ở vùng giá đỉnh cũ tháng 8 với tổng cộng 361 mã giảm giá (3 mã giảm sàn), 313 mã tăng giá (19 mã tăng trần), và 152 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 27.028,52 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước, duy trì trên mức trung bình của thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, gia tăng bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị 886,81 tỷ đồng, trong đó tập trung nhiều ở nhóm thép, dịch vụ tài chính, chứng khoán, bất động sản, ngân hàng; mua ròng trên HNX với giá trị 5,44 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận thông tin Bộ Tài chính không đồng ý với đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người Việt khi mua ô tô điện do ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, Nhà nước còn phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng.
Cổ phiếu VIC (-1,30%) qua đó chịu áp lực điều chỉnh ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chung, VN30. Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa tích cực, đa số mã tăng giá với thanh khoản cải thiện, hỗ trợ cho thị trường chung như NVB (+4,14%), NAB (+3,70%), OCB (+2,42%), TCB (+1,56%)... bên cạnh các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản trên mức trung bình với SSB (-1,26%), VCB (-0,78%), TPB (-0,51%)...
Thị trường phân hóa khá tích cực trong các nhóm ngành với nhóm bất động sản đa số vẫn phục hồi tốt, thu hút dòng tiền với thanh khoản gia tăng mạnh như QCG (+6,32%), NBB (+5,05%), VPH (+4,25%), L14 (+3,62%), NDN (+3,42%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh sau khi tăng mạnh phiên trước với SJS (-1,55%), VHM (-1,43%), HDC (-1,32%)....
Các cổ phiếu dầu khí duy trì xu hướng tăng giá tích cực sau khi giá dầu tăng tiếp tục tăng trước thông tin cắt giảm sản lượng, nổi bật như PSH (+6,61%), PVS (+2,46%), PVD (+1,73%), GAS (+1,38%)... Trong khi đó các nhóm ngành khác đều phân hóa khá tích cực khi dòng tiền vẫn luân chuyển tốt, nhiều mã tăng giá tốt, thanh khoản cải thiện, các mã chịu áp lực điều chỉnh thì thanh khoản giảm, mức độ điều chỉnh nhẹ, bình thường.
Tăng giảm đan xen trong ngắn hạn
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo mẫu hình nến tương tự Bullish counterattack cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư và áp lực bán liên tục xuất hiện tại vùng đỉnh cũ. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đang hình thành đỉnh đầu tiên báo hiệu thị trường có thể sẽ xuất hiện điều chỉnh, rung lắc trong các phiên tới. Tuy nhiên, ở khung đồ thị ngày, chỉ báo ADX đang dần suy yếu cùng với việc RSI mới chỉ hình thành 1 đỉnh sau nhịp giảm điểm cho thấy VN-Index sẽ có xu hướng tích lũy, giao dịch sideway với các phiên tăng giảm đan xen trong ngắn hạn.
Do đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục giữ tỷ trọng đối với những cổ phiếu có diễn biến tốt hơn thị trường. Thêm vào đó, có thể cân nhắc bán lướt sóng và mua lại trong các phiên rung lắc đối với những cổ phiếu đã trải qua nhịp tăng điểm tốt vừa qua.
Tránh mua đuổi
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau nhịp tăng mở gap đầu phiên, VN-Index dần suy yếu và đánh mất toàn bộ thành quả tăng điểm về cuối phiên. Lực bán chủ động áp đảo phe mua về cuối phiên đã khiến cho chỉ số quay đầu giảm điểm. Mặc dù vậy, xu hướng tăng ngắn hạn của chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục được bảo lưu với vùng đích kỳ vọng tiếp theo đặt tại xung quanh vùng cản 1260 (+-5).
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi, chỉ gia tăng 1 phần tỷ trọng trading trong các nhịp điều chỉnh về hỗ trợ của cổ phiếu.
Rung lắc đang dần hiện hữu
Chứng khoán SHS
Nhịp hồi phục ngắn hạn gần như đã tiệm cận ngưỡng cản 1.250 điểm và việc Vn-Index rung lắc để hình thành nền tích lũy chuẩn bị cho việc vượt ngưỡng cản dài hạn 1.300 điểm là vận động tích cực.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn thị trường đang giao dịch tại vùng cản ngắn hạn quanh 1.250 điểm và xét theo góc nhìn kỹ thuật rủi ro điều chỉnh, rung lắc ngắn hạn đang dần hiện hữu và nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng trong giao dịch.
Nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc
Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 1.240 – 1.245 điểm. Đồng thời, nhịp điều chỉnh này là cần thiết khi chỉ số VN-Index đã có chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp và nhiều cổ phiếu đang ở giai đoạn “test” đỉnh cũ.
Điểm tích cực là rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc, nhưng đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tại các nhịp điều chỉnh. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc xem xét lướt một phần tỷ trọng cổ phiếu, tức là có thể xem xét chốt lời ở các cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao và chờ mua lại ở nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, nên ưu tiên chiến lược nắm giữ và mua ở nhịp điều chỉnh.
Tích lũy quanh ngưỡng 1.245
Chứng khoán BIDV (BSC)
Đà hồi phục của VN-Index đã chững lại trong ngày hôm nay. Thị trường quay đầu giảm khi chạm đến ngưỡng kháng cự 1,255 và đóng cửa tại mốc 1.243,14 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 10/18 ngành giảm điểm. Trong diễn biến ngược lại, ngành hàng cá nhân và gia dụng dẫn đầu đà tăng.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng trên sàn HNX. Trong ngắn hạn, thị trường có thể trải qua những phiên tích lũy quanh ngưỡng 1.245 trước khi tiếp tục tiến lên những ngưỡng kháng cự tiếp theo.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.