Do nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao, Chính phủ đề xuất Quốc hội phân bổ hơn 2.526 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Chiều 8/1, tại phiên họp 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trình bày tờ trình của Chính phủ về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương 2021- 2025.
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất phân bổ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là 63.725 tỷ đồng cho 5 ngành, lĩnh vực. Trong đó, quản lý nhà nước 2.490 tỷ đồng, khoa học công nghệ 500 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực giao thông là 57.735 tỷ đồng cho 50 nhiệm vụ, dự án, trong đó có 9 dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Chính phủ đề xuất phân bổ hơn 2.526 tỷ đồng cho EVN để thực hiện dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Năm 2022, Côn Đảo được cấp trên 15 MW điện, bằng dầu diesel. Nhưng mức này không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của địa phương này và giá cao. Chủ trương đầu tư dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo được Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt hồi tháng 6/2023. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 4.950 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách trung ương khoảng 2.526 tỷ, còn lại vốn tự có của EVN với gần 2.424 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng, nhu cầu tiêu thụ điện tại Côn Đảo ngày một tăng cao, nguồn điện chạy bằng dầu diesel tại chỗ không đáp ứng đủ dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cho các dự án đầu tư tại đây.
Mặt khác, theo báo cáo của EVN, giá thành sản xuất điện từ dầu diesel cao (khoảng 5.000-6.000 đồng một kWh), trong khi giá bán điện sinh hoạt cao nhất 3.151 đồng một kWh, tức càng phát điện nhiều càng lỗ.
Do đó, cấp điện từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển là phương án tối ưu nhất, đảm bảo yêu cầu cấp điện ổn định, an toàn cho lưới điện trên đảo, cũng như hướng tới giảm phát thải carbon về 0 vào 2040 và bảo vệ môi trường, sinh thái Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch lớn về suất đầu tư của dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo so với các dự án khác mà EVN đã thực hiện là do Côn Đảo xa bờ nhất so với các đảo khác, phần lớn đường dây đi trên biển có độ sâu đáy biển lớn nên thực hiện bằng giải pháp cáp ngầm là chính.
Vì lý do xa bờ nên việc đầu tư cấp điện cho huyện Côn Đảo được cân nhắc sẽ đáp ứng nhu cầu phụ tải cho Côn Đảo trong dài hạn mà không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện từ đất liền.
Do đây là dự án có tính chất đặc thù, vừa dùng vốn ngân sách trung ương và vốn tự có của EVN, Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương dự án này cho EVN. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Việc bàn giao tài sản sau khi dự án hoàn thành thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý tài sản công, quy định pháp luật khác liên quan.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính ngân sách đồng ý phân bổ hơn 2.526 tỷ đồng cho EVN để thực hiện dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm và cam kết việc chọn phương án cấp điện lưới là tối ưu nhất, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đầu tư và giá thành, chi phí hợp lý.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc phân bổ vốn này cho EVN từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Để tiến hành các bước tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát để đảm bảo tính chính xác số liệu, đánh giá tác động đầy đủ để đảm bảo chặt chẽ khi thực hiện các dự án dùng vốn đầu tư công.
Ngọc Nhi