Đây là hạng mục quan trọng thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa có tổng vốn đầu tư 4.848 tỷ đồng, kết nối trực tiếp vào nhà ga T3 và giúp giải tỏa áp lực giao thông tại cửa ngõ Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất…
Chiều 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM đã chính thức cắt băng khánh thành, thông xe hạng mục hầm chui Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện (gói thầu xây lắp số 9, trị giá 200 tỷ đồng) thuộc dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.
Điểm đầu hầm chui có vị trí tại giao lộ đường Phan Thúc Duyện - đường Phan Đình Giót; điểm cuối giao với đường Thăng Long với tổng chiều dài là 600m, bề rộng mặt cắt ngang 30m (6 làn xe), đường 2 đầu hầm có tổng chiều dài 200m, các đường bên hông hầm chui có tổng chiều dài 600m.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện đã được thông xe sớm hơn 3 tháng dự kiến. Dịp này, Ban quản lý cũng phát động thi đua động thi đua 130 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, thông xe toàn bộ tuyến đường vào ngày 31/12/2024.
Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa là công trình trọng điểm của TP.HCM nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ cho khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất, kết nối với nhà ga T3 trong tương lai.
Điểm đầu của tuyến đường bắt đầu tại vị trí giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại vị trí giao lộ đường C12 - đường Cộng Hòa - đường Trường Chinh; tổng chiều dài hơn 4 km, mặt cắt ngang 6 làn xe, vận tốc thiết kế 50 km/giờ. Tổng vốn đầu tư của dự án 4.848 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.412 tỷ đồng và chi phí xây lắp 1.500 tỷ đồng, cùng các chi phí khác.
Trên tuyến có hạng mục cầu vượt tại khu vực trước Nhà ga T3 với tổng chiều dài 988m, mặt cắt ngang 17m (4 làn xe) và 2 hầm chui tại nút giao đường Phan Thúc Duyện – đường Trần Quốc Hoàn có tổng chiều dài 400m, mặt cắt ngang 9m (2 làn xe) và tại nút giao đường Trường Chinh - đường Tân Kỳ Tân Qúy có tổng chiều dài 500m, mặt cắt ngang 9m (2 làn xe).
Ngoài mục tiêu kết nối trực tiếp với Nhà ga T3, dự án còn tạo ra một tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu và sau khi hoàn thành cùng với các dự án Nâng cấp mở rộng các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Tên Lửa, Tân Kỳ Tân Quý vào cuối năm 2024… sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đặc biệt là sau khi Nhà ga hành khách T3, với công suất 20 triệu hành khách/năm dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối quý I/2025.
Hiện dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đạt 63% tổng khối lượng và vẫn đang phải đối diện với khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi một số hộ dân và tổ chức vẫn chưa chịu di dời.
Theo văn bản của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn TP.HCM, hiện nay dự án vẫn còn 1/14 đơn vị quốc phòng (Công ty Cổ phần Dệt may 7) chưa đồng ý bàn giao phần tường rào để UBND quận Tân Bình tổ chức tháo dỡ, di dời và bàn giao mặt bằng thi công.
Do đó TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (đơn vị quản lý trực tiếp Công ty Cổ phần Dệt may 7) khẩn trương bàn giao phần tường rào cho UBND quận Tân Bình tổ chức tháo dỡ và bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thi công, hoàn thành công trình trong tháng 12/2024.
Tôn Quyên