Volkswagen đang đối diện với áp lực lớn từ sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng xe Trung Quốc và chi phí sản xuất cao tại Đức. Điều này có thể dẫn đến khả năng Volkswagen phải đưa ra quyết định khó khăn như đóng cửa một số nhà máy tại quê nhà…
Vào tháng 5, Giám đốc tài chính của Volkswagen Arno Antlitz đã cảnh báo rằng nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu có khoảng hai đến ba năm chuẩn bị để đối phó với cạnh tranh khốc liệt từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Nhưng mới đây nhất, ông Antlitz đã rút ngắn thời hạn xuống còn 1 năm, đồng thời gây chấn động ngành ô tô toàn cầu khi có để ngỏ khả năng đóng cửa các nhà máy tại thị trường nội địa.
Theo các cuộc phỏng vấn của Reuters, mặc dù nhiều thách thức của Volkswagen – như việc thị trường Trung Quốc đang suy yếu hay hoạt động chuyển đổi sang xe điện có phần chậm chạp – đã gây khó khăn cho tập đoàn trong một thời gian, nhưng có hai diễn biến đáng chú ý gần đây đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Thứ nhất là lo ngại gia tăng về việc các đối thủ châu Á, bao gồm BYD, Chery và Leapmotor, có thể đẩy nhanh kế hoạch xây dựng năng lực sản xuất của họ tại châu Âu nếu EU tiến hành áp thuế nhập khẩu bổ sung lên các xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Thứ hai, Volkswagen gần đây đã phải hạ giá các mẫu xe thương hiệu VW để đối phó với tình hình cạnh tranh khốc liệt, một động thái khiến công ty mất đi hàng trăm triệu Euro lợi nhuận, Chủ tịch hội đồng quản trị Daniela Cavallo chỉ ra.
Không chỉ phải giảm giá mạnh hơn so với dự kiến ban đầu, mà điều này còn khiến ban lãnh đạo nhận ra rằng chi phí cơ sở cao tại Đức đang khiến Volkswagen gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ linh hoạt hơn, theo một nguồn tin trong công ty.
Volkswagen đã từ chối đưa ra bình luận.
"Đây là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới nhưng lại không thu được lợi nhuận lớn từ quy mô đó”, ông Cole Smead, Giám đốc điều hành của Smead Capital Management, một cổ đông của Volkswagen nhận xét.
Bên cạnh quá trình tái cấu trúc, các đợt giảm giá vừa qua làm suy yếu nỗ lực của thương hiệu VW trong việc tiết giảm chi phí hơn 10 tỷ euro (11 tỷ USD) vào năm 2026. Kết quả là thương hiệu đã chứng kiến biên lợi nhuận sụt giảm xuống còn 0,9% trong quý hai, so với mức thấp 4% từ quý đầu tiên.
Theo nhà phân tích Michael Punzet của DZ Bank, dự kiến Volkswagen sẽ cắt giảm mục tiêu biên lợi nhuận cả năm khi công bố kết quả quý ba. Vào tháng 7, Volkswagen đã cắt giảm mục tiêu xuống còn 6,5-7,0% do các khoản dự phòng liên quan đến khả năng đóng cửa nhà máy Audi ở Brussels.
Giám đốc tài chính của Volkswagen Arno Antlitz cho biết thương hiệu VW – chiếm hơn một nửa sản lượng của tập đoàn vào năm ngoái – đã chi nhiều tiền hơn số tiền kiếm được trong một thời gian dài, đồng thời nói thêm rằng công ty sẽ không thành công nếu xu hướng này tiếp diễn.
Dòng tiền từ mảng kinh doanh ôtô của Volkswagen, thước đo quan trọng về sức khỏe hoạt động, đã chuyển sang âm trong nửa đầu năm 2024, cụ thể là âm 100 triệu Euro so với mức dương 2,5 tỷ Euro so với cùng kỳ năm ngoái.
Áp lực cạnh tranh khốc liệt không chỉ là vấn đề ở thị trường nội địa.
Lợi nhuận từ Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Volkswagen, đã giảm gần một nửa trong thập kỷ qua, chỉ còn 2,6 tỷ Euro vào năm 2023. Mặc dù lợi nhuận dự kiến sẽ tăng lên khoảng 3 tỷ Euro vào năm 2030, nhưng vẫn là quá thấp so với các kỷ lục trước đây.
Một vấn đề lớn khác là chi phí năng lượng và lao động ở Đức, vốn thuộc hàng cao nhất ở châu Âu. "Ngoài cuộc chiến giá cả khốc liệt với các đối thủ cạnh tranh, chi phí năng lượng và lao động cao cũng gây ra một viễn cảnh vô cùng khó khăn cho các thương hiệu đại chúng châu Âu”, hai nhà phân tích của Citigroup giải thích.
An Duy