Làn sóng chuyển dịch của các nhà đầu tư chứng khoán ra khỏi Trung Quốc

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau chính sách 'Zero Covid' không đạt kỳ vọng, làm mất lòng tin của nhà đầu tư và đẩy họ tìm kiếm cơ hội đầu cơ sang các nước láng giềng gần đó...

Các thị trường chứng khoán ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã trở thành những người hưởng lợi chính từ sau sự phục hồi kinh tế không như kỳ vọng đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc.

"Sự yếu kém của kinh tế Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm cơ hội đầu cơ những nơi khác trong khu vực", ông Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng Châu Á-Thái Bình Dương của Goldman Sachs cho biết.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đang ở vùng thị trường tăng giá, tăng hơn 23% tính đến thời điểm hiện tại nhờ sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Warren Buffett của Berkshire Hathaway.

Chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ đã tăng gần 7% trong quý này và đã khắc phục toàn bộ những thiệt hại từ đáy thấp nhất trong tháng 3. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã tăng 18% tính đến thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy một sự tương phản rõ rệt so với sự bán tháo đã xảy ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Chỉ số CSI 300, đo lường các công ty lớn niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến, đã giảm 5,29% tính đến cuối quý này và đã xoá sạch toàn bộ những lợi nhuận thu được từ đầu năm, khi cổ phiếu tăng mạnh trên đà mở cửa trở lại.

Theo dữ liệu của Refinitiv, chỉ số Hang Seng cũng đã chạm vào vùng thị trường giảm giá trong tháng trước và giảm gần 2% tính đến thời điểm hiện tại.

"Quan điểm của nhà đầu tư về Trung Quốc đã suy giảm và theo quan điểm của chúng tôi, đang ở mức thấp nhất mà chúng ta chỉ thấy số ít lần trong thập kỷ qua", ông Andrew Tilton nhận xét.

Làn sóng chuyển dịch của các nhà đầu tư chứng khoán ra khỏi Trung Quốc Một nhà đầu tư nhìn vào màn hình hiển thị biến động thị trường chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Fuyang, tỉnh Anhui, phía đông Trung Quốc

Dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu Nhật Bản, trong khi nhà đầu tư trong nước lại là những người mua ròng trái phiếu nước ngoài.

Quảng cáo

Theo tính toán của Reuters, nhà đầu tư nước ngoài đã mua tổng cộng 342,18 tỷ yên (tương đương 2,45 tỷ USD) cổ phiếu trong tuần kết thúc vào ngày 2/6. Tính từ đầu năm, tổng cộng 6,65 nghìn tỷ yên cổ phiếu Nhật Bản đã được giới đầu tư quốc tế mua vào. Các ngân hàng Phố Wall bao gồm Morgan Stanley và Societe Generale là những người lạc quan về cổ phiếu Nhật Bản, giữ vị trí "overweight" (giới hạn trọng số trên).

Trong triển vọng nửa cuối năm, Morgan Stanley đã dự đoán cổ phiếu Nhật Bản sẽ vượt trội so với các đối thủ toàn cầu: "Nhật Bản là khu vực mà chúng tôi ưa thích nhất, với ROE (Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đang cải thiện và triển vọng EPS (Lợi nhuận trên cổ phiếu) vượt trội", giám đốc Đầu tư Mike Wilson cho biết.

Công ty đã nâng dự báo cho chỉ số Topix tăng 18% vào tháng 6 năm 2024, so với mục tiêu trước đó là tăng 13%.

"Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn khi chúng tôi ưu tiên thị trường mới nổi so với Mỹ và EU. Sự tăng trưởng khu vực nhanh chóng và GDP trong nước vững chắc sẽ ủng hộ lợi nhuận cho các công ty Nhật Bản”, các chiến lược gia của Morgan Stanley cho biết.

Hàn Quốc là một thị trường khác được được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Cổ phiếu công nghệ Hàn Quốc, chiếm khoảng một nửa chỉ số Kospi 200, đã trở thành động lực chính mà UBS Global Wealth Management nhắc tới.

"Chúng tôi vẫn ưu tiên cổ phiếu bán dẫn châu Á trong 3-6 tháng tới và Hàn Quốc là nơi chúng tôi coi là nhà vô địch trong nhóm thị trường này", ngân hàng UBS kỳ vọng.

UBS cho biết tỷ lệ giá trị vốn hóa thấp của cổ phiếu công nghệ Hàn Quốc là một lựa chọn hấp dẫn thay thế cho các phân khúc công nghệ đắt đỏ hơn, trong khi cổ phiếu thương mại điện tử của Trung Quốc, đã giảm 20% tính đến thời điểm hiện tại.

Tỷ lệ giá trị vốn hóa là một chỉ số quan trọng được sử dụng bởi các nhà giao dịch để đánh giá giá trị của một cổ phiếu. "Đối với Trung Quốc, vẫn còn câu hỏi về tính bền vững của quá trình phục hồi kinh tế. Điều này, cùng với những lo ngại về địa chính trị tiếp tục, đã làm áp lực lên thị trường", các chiến lược gia của UBS nói trong báo cáo.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên thực hiện chính sách tiền tệ đổi hướng, mặc dù thống đốc Rhee Chang-yong cho biết trên CNBC rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về việc cắt giảm lãi suất. Các ngân hàng như Citi và Nomura dự đoán sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào quý ba năm nay.

 

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.