Mỹ thắt chặt quy định xuất khẩu, các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc... hưởng lợi

Khi chính quyền Mỹ tiếp tục thắt chặt hạn chế xuất khẩu, các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc đang nhanh chóng hưởng lợi lớn, với lượng đơn đặt hàng từ các xưởng đúc nội địa tăng vọt trong những tháng gần đây…

Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc, chẳng hạn như nhà sản xuất công cụ Naura và nhà sản xuất thiết bị khắc AMEC, đang được các xưởng đúc nội địa “săn đón” nhiều hơn bao giờ hết, khi các nhà sản xuất chip chủ động tìm cách để thay thế các thiết bị ở nước ngoài bằng thiết bị trong nước.

Theo phân tích trên 182 hồ sơ dự thầu của Huatai Securities vào tháng trước, gần một nửa (tương đương 47,25%) trong số tất cả các cuộc đấu thầu thiết bị máy móc của các xưởng đúc Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 8/2023 đều nghiêng phần thắng về các nhà sản xuất địa phương.

Cụ thể, trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 8/ 2023, 62% phần thắng đều thuộc về các đơn vị Trung Quốc, cao gần gấp đôi so với mức 36,3% trong khoảng tháng 3 đến tháng 4, phân tích của Huatai Securities cho thấy.

Diễn biến mới nhất này đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với ngành bán dẫn của Trung Quốc, phản ánh tâm thế chấp nhận của các doanh nghiệp địa phương rằng các lệnh cấm của Mỹ khó có thể được nới lỏng hay thậm chí còn thắt chặt hơn nữa, do đó sự tự lực - như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục - mới là con đường bền vững phía trước.

Vào đầu tuần này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mở rộng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, một nỗ lực nhắm vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc để ngăn chặn Bắc Kinh tiếp nhận các công nghệ tiên tiến của Mỹ.

Các biện pháp dự kiến sẽ được cập nhật hàng năm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra chỉ trích đối với các hạn chế chip mới nhất, nói rằng chúng vi phạm các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng.

Các công ty Trung Quốc đang dự trữ thiết bị chip sản xuất ở nước ngoài từ Nhật Bản và Hà Lan, nhưng những con đường đó cũng sắp gặp rào cản khi những quốc gia dự kiến sẽ cùng Mỹ ban hành các hạn chế trong những tháng tới.

Theo chia sẻ của Reuters, trích dẫn nguồn tin từ các công ty: “Trước lệnh trừng phạt, các xưởng đúc hàng đầu của Trung Quốc chỉ sử dụng một lượng nhỏ máy móc từ các nhà cung cấp địa phương. Nhưng bây giờ, các xưởng đúc này đang nhanh chóng thử nghiệm thiết bị do Trung Quốc sản xuất trên mọi máy móc nước ngoài mà họ sở hữu và nếu thấy rằng nó đáp ứng được, họ sẽ thay thế tất cả chúng. Các xưởng đúc ngày nay muốn phụ thuộc vào càng ít máy móc nước ngoài càng tốt”.

AMEC và Naura nói riêng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ các xưởng đúc lớn nhất Trung Quốc như SMIC và Hua Hong Semiconductor.

Theo báo cáo của CINNO Research, doanh thu liên quan đến thiết bị của 10 nhà sản xuất thiết bị nội địa hàng đầu Trung Quốc đã tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2023, đạt doanh thu 2,2 tỷ USD.

Giới phân tích nhận xét, các nhà sản xuất Trung Quốc đang ngày càng tạo ra được nhiều thiết bị tốt hơn trong các lĩnh vực như khắc axit và làm sạch, hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các công ty Mỹ như Applied Materials Inc hay Lam Research Corp.

Một số máy AMEC đã được đưa vào dây chuyền sản xuất chip tiên tiến như những máy sử dụng công nghệ 5 nanomet, điều này đã được tiết lộ trong báo cáo thu nhập của công ty.

Một nhà phân tích bán dẫn có trụ sở tại Trung Quốc, người từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông, cho biết chất lượng thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc đang được cải thiện nhanh hơn, chất lượng cao hơn so với các ước tính ban đầu. “Chắc chắn có sự tiến bộ to lớn đang diễn ra trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc, thể hiện qua các chỉ số tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ”, nhà phân tích này nói thêm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm khó khăn trên thực tế, đặc biệt là kỹ thuật in thạch bản, đòi hỏi quang học cực kỳ phức tạp và độ chính xác của quy trình.

Trung Quốc vẫn chưa thể mua được máy in thạch bản cực tím (EUV) cần thiết để chế tạo những con chip tiên tiến nhất và Mỹ hiện đã cấm cả một số hệ thống in thạch bản cực tím sâu (DUV) kém tiên tiến hơn vào thị trường Trung Quốc.

Báo cáo của Huatai Securities tiết lộ rằng trong 8 tháng đầu năm 2023, chỉ có duy nhất một gói thầu thiết bị in thạch bản được trao cho một công ty Trung Quốc trong số rất nhiều hồ sơ dự thầu.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, nhập khẩu máy in thạch bản và linh kiện liên quan từ Hà Lan sang Trung Quốc đã tăng 81,2% so với cùng kỳ năm trước lên 3,3 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 8/2023.

Nori Chiou, giám đốc đầu tư tại White Oak Capital nhận định: “Các công ty địa phương vẫn thiếu khả năng cung cấp một bộ thiết bị đầy đủ, chẳng hạn như EUV. Do đó họ đang tập trung vào việc cung cấp các thiết bị nút trưởng thành. Khách quan mà nói, vẫn còn một chặng đường dài để thấy một thiết bị bán dẫn tiên tiến 100% Made in China được chế tạo ra”.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.