Nhân tố đứng sau sự kiện kinh tế số Việt Nam tăng trưởng liên tục trên 30%

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các chủ thể chủ của hoạt động thương mại điện tử; tạo sự tin tưởng trong các giao dịch thương mại điện tử.

Nhân tố đứng sau sự kiện kinh tế số Việt Nam tăng trưởng liên tục trên 30%Kinh tế số tăng tốc

Năm 2022, các tổ chức đánh giá công nghệ quốc tế quốc tế liên tục có những nhận định tích cực về kinh số Việt Nam. Tháng 10/2022, trong báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội,” Google, Temasek và Bain & Company nhấn mạnh mức tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế số Việt Nam.

Nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng 28% nhờ động lực tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm 2021.

Phó Chủ tịch Google châu Á-Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á, Stephanie Davis cho biết, Việt Nam đứng đầu trong nhóm 6 nền kinh tế số hàng đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng trong năm 2022, trong đó thương mại điện tử có tốc độ tăng cao nhất khu vực.

Với tốc độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm, Việt Nam cũng được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Còn theo Báo cáo “Digital 2022 global overview report” của We are social & Hootsuite, tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng tuần Việt Nam đứng thứ 11 trong số các quốc gia (58,2%), ngang bằng với mức trung bình toàn cầu, cao hơn Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Đức.

Mới đây, Google, Temasek và Bain&Co (e-Conomy SEA 2022) ước tính kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và cao thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia đạt 77 tỷ USD và Thái Lan 33 tỷ USD. Theo tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến thì Việt Nam xếp thứ 2 với 49%, chỉ đứng sau Singapore (53%), cao hơn Indonesia và Malaysia.

Báo cáo của 3 đối tác nói trên dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025. Kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn 2022-2025.

Nhân tố quan trọng

Nhân tố hàng đầu được kể đến giúp kinh tế số Việt Nam tăng trưởng liên tục trên 30% trong những năm tới là thói quen mua sắm và ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối qua thương mại điện tử khi dịch Covid-19 bùng phát.

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là chính sách quản lý về thương mại điện tử có bước tiến vượt bậc. Cụ thể, ngày 25/9/2021, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.

Nghị định 85 có nhiều điểm mới, phù hợp với xu thế, và phù hợp với Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2021.

Điểm mới thứ nhất trong Nghị định 85 là thương nhân cung cấp dịch vụ logistics được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng được đề cập đến tại khoản 14 Điều 1.

Thứ hai, làm rõ trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ của người bán đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

Thứ ba, tất cả các website thương mại điện tử phải công bố về chính sách kiểm hàng; chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này.

Thứ tư, quy định chi tiết về trách nhiệm của thương nhân về việc xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Thứ năm, việc đăng ký thiết lập website TMĐT chỉ cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bản sao (trước đây yêu cầu bản chính).

Thứ sáu, quy định chi tiết về quy trình đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thức hợp đồng điện tử. Theo đó, việc nộp, tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Thứ bảy, quy định về hoạt động TMĐT của thương nhân, tổ chức nước ngoài. Đây là quy định hoàn toàn mới của Nghị định 85/2021. Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau:

-Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam;

- Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt;

- Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.

Có thể nói, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các chủ thể chủ của hoạt động thương mại điện tử; tạo sự tin tưởng trong các giao dịch thương mại điện tử.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.