Khoản đầu tư trị giá 13 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI dù được đánh giá mang đến nhiều tiềm năng nhưng cũng không thiếu các rủi ro tiềm ẩn…
Khi Microsoft lần đầu tiên đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI vào năm 2019, thỏa thuận này không nhận được nhiều sự chú ý. Bởi thị trường khởi nghiệp khi đó đang rất nhộn nhịp với các lĩnh vực như xe điện, hàng không vũ trụ, hậu cần tiên tiến thu hút các khoản đầu tư khổng lồ.
Nhưng chỉ ba năm sau, viễn cách đang trở nên rất khác khi nguồn vốn cho khởi nghiệp đã cạn kiệt, công ty công nghệ thua lỗ, kinh tế ngày càng khó khăn…
Khoản đầu tư từng được giấu kín vào OpenAI của Microsoft giờ đây trở thành chủ đề thảo luận chính, cả trong giới đầu tư mạo hiểm và giữa các cổ đông đại chúng. Khoản đầu tư tích lũy của Microsoft vào OpenAI trong suốt thời gian qua được cho là đã tăng lên 13 tỷ USD và định giá của của công ty khởi nghiệp nay đã đạt 29 tỷ USD.
Hiện tại, chưa có startup trí tuệ nhân tạo hấp dẫn được hơn OpenAI. Với sự ra mắt của ChatGPT - chatbot gây sốt nhờ khả năng đưa ra các câu trả lời giống con người cho các truy vấn về hầu hết mọi chủ đề - công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco nổi lên như một hiện tượng của thế giới với hơn 100 triệu người sử dụng vào tháng 1/2023.
Cốt lõi chatbot của OpenAI là một LLM có tên GPT-4 được đào tạo cách soạn văn bản nghe có vẻ tự nhiên nhất về các nguồn thông tin trực tuyến phong phú.
Bản thân Microsoft đang tích hợp công nghệ vào công cụ tìm kiếm Bing, phần mềm bán hàng và tiếp thị, công cụ mã hóa GitHub, gói năng suất Microsoft 365 và đám mây Azure.
Không chỉ hậu thuẫn cho OpenAI về mặt tài chính, Microsoft còn là nhà cung cấp độc quyền giao diện lập trình, sản phẩm và nghiên cứu của OpenAI dành cho các nhà phát triển. Hiện tại, người phát ngôn của OpenAI cho biết Microsoft có giấy phép độc quyền trên GPT-4 và tất cả các mô hình OpenAI khác.
Cũng giống như Microsoft, các công ty khởi nghiệp và công ty đa quốc gia khác đang gấp rút tích hợp các sản phẩm của họ với OpenAI, đồng nghĩa với khối lượng thông tin khổng lồ chạy trên các máy chủ đám mây của Microsoft.
Theo ông Michael Turrin, một nhà phân tích tại Wells Fargo, cho biết những hoạt động kinh doanh mới này có thể tăng thêm hơn 30 tỷ USD doanh thu hàng năm mới cho Microsoft, với khoảng một nửa đến từ Azure.
Bên cạnh đó, việc dựa vào OpenAI có khả năng giúp Microsoft đảo ngược đáng kể vận may của mình trong lĩnh vực AI, nơi mà hãng đã nhiều lần “vấp ngã” và không thể tự mình xây dựng được một doanh nghiệp có ý nghĩa.
Vào tháng 2, Microsoft đã tổ chức một sự kiện báo chí tại trụ sở chính ở Redmond, Washington, để công bố các bản cập nhật mới do AI cung cấp cho công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge.
Tuy nhiên kể từ đó, các hệ thống chatbot AI mới ra mắt đã dần lộ ra những điểm yếu của mình. Cụ thể, chatbot Bing tạo ra một số cuộc trò chuyện có phần bất thường với người dùng, đồng thời tỷ lệ đưa ra câu trả lời chính xác cũng thấp hơn so với hứa hẹn của công ty.
Dù là nhà đồng sáng lập OpenAI, Elon Musk vẫn cho rằng “AI là một trong những rủi ro lớn nhất đối với thế giới và nó cần phải được quy định”.
Từ đó, những hoài nghi đối với OpenAI đang ngày càng trở nghiêm trọng hơn. Cuối tháng trước, Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo và Chính sách Kỹ thuật số phi lợi nhuận đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang ngăn OpenAI phát hành các bản phát hành thương mại mới của GPT-4, mô tả công nghệ này là thiên vị, lừa đảo và có rủi ro đối với quyền riêng tư và an toàn công cộng.
Trước những ý kiến tranh cãi gay gắt về trí tuệ nhân tạo, một số nhà quan sát dự đoán OpenAI sẽ sớm phải tìm cho mình một lối thoát tiềm năng. Trong đó, Microsoft - công ty không có trong hội đồng quản trị OpenAI - sẽ là người mua tiềm năng nhất dựa trên sự liên hệ chặt chẽ giữa hai doanh nghiệp.
Nhưng loại thỏa thuận đó có thể sẽ thu hút sự giám sát của cơ quan quản lý, vì những lo ngại về AI và lợi thế cạnh tranh của Microsoft. Bằng cách tiếp tục là nhà đầu tư và không trở thành chủ sở hữu của OpenAI, Microsoft có thể tránh được các đánh giá Hart-Scott-Rodino từ các cơ quan quản lý cạnh tranh của Mỹ.
Theo dữ liệu của PitchBook, OpenAI đang trên đà tạo ra doanh thu 200 triệu USD trong năm nay, tăng 150% so với năm 2022 tương đương mức tăng trưởng 400%. Scott Raney, giám đốc điều hành của Redpoint Ventures, cho biết dựa trên định giá hiện tại, con đường khả thi hơn cho OpenAI là một đợt phát hành IPO. Tuy nhiên, người phát ngôn của OpenAI cho biết hiện công ty không có bất kỳ kế hoạch bán lại hay phát hành IPO nào.