Sóng trả mặt bằng vẫn chưa dừng

Hiện nay, tình trạng trả mặt bằng kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tiếp tục diễn ra, thậm chí tần suất còn nhiều hơn những tháng trước…
mặt bằng
Các cửa hàng thanh lý hàng hoá để trả mặt bằng

Nhiều chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng phải sang nhượng, trả mặt bằng do thời buổi kinh doanh khó khăn. Các tòa nhà văn phòng, biệt thự liền kề, mặt bằng kinh doanh trên nhiều tuyến phố dù treo biển chào thuê nhiều tháng nhưng vẫn chưa tìm được khách.

KHÔNG CÒN ĐỦ SỨC GỒNG GÁNH

Năm 2019, chị Lại Minh Thu (38 tuổi, Hà Nội) thuê cửa hàng tại phố Kim Mã để kinh doanh mặt hàng thời trang. Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động dù không nỡ, nhưng chị phải quyết định dừng thuê.

Thời gian đầu, cửa hàng kinh doanh rất thuận lợi, thu nhập tương đối cao. Chị Thu chia sẻ: “Trước khi mở cửa hàng này, tôi có thời gian dài kinh doanh online nên lượng khách quen cũng kha khá, với cả phố Kim Mã cũng có tiếng về quần áo nữa, bán chạy là điều đương nhiên”.

Khấm khá không được bao lâu, dịch Covid-19 bùng phát, thành phố giãn cách xã hội, cửa hàng quần áo của người phụ nữ này rơi vào tình trạng khó khăn. Đặc biệt, sau dịch lượng hàng tồn nhiều, buộc phải xả thu hồi vốn, không những thế, chị còn gặp phải tình trạng “ế khách” chưa từng có.

Từ năm ngoái đến thời điểm chị Thu quyết định trả lại mặt bằng, lượng khách ra vào cửa hàng chỉ bằng 1/4 trước dịch. “Buôn bán trực tiếp không đủ để nuôi nhân viên, trả mặt bằng, nên tôi nhiều lần muốn bỏ. Nhưng nghĩ lại tiếc nên cố gắng duy trì, đến bây giờ thì tôi không thể nữa rồi”, chủ cửa hàng thời trang tâm sự.

Ngoài việc kinh doanh gặp khó, giá thuê cũng tăng theo từng năm, trước đây, chị Thu thuê mặt bằng trên với giá 15 triệu đồng/30m2/tháng, nhưng hiện tại đã tăng lên 20 triệu đồng/tháng.

Đồng cảnh ngộ với chị Thu, anh Hoàng Hải (Hà Nội) cũng vừa rời văn phòng rộng 80m2 tại khu đô thị mới Đại Kim, để tìm kiếm một chỗ mới phù hợp với kinh tế hơn.

“Gần 1 năm nay, hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty tôi không thuận lợi, tiền thuê nhà lại cao, gần 40 triệu đồng/tháng, nên tôi phải tìm giải pháp mới”, anh Hải bày tỏ.

Để công ty được hoạt động, ngoài việc cắt giảm nhân sự, anh Hải đã quyết định trả mặt bằng rộng rãi trên, thay vào đó, tìm những chỗ nhỏ hơn và giá thuê hợp lý. Anh còn cho biết thêm, sẽ chấp nhận vào ngõ dù đường đi khó khăn hơn, vì thời điểm này đây là một lựa chọn tốt.

thiet-ke-chua-co-ten-19-3282.jpg
Xuất hiện nhiều biển đỏ cho thuê nhà, mặt bằng trên các con phố

Từ các phố lớn ở trung tâm đến các quận xa như Hoàng Mai, Hà Đông tình trạng trả mặt bằng xuất hiện ngày càng nhiều. Theo anh Đặng Đình Hiếu (Hoàng Mai), chuyên gia môi giới bất động sản cho thuê và căn hộ lâu năm, việc trả mặt bằng, văn phòng cho thuê đã diễn ra trong quý 1/2023. Tuy nhiên, sang quý 2 tình trạng này diễn ra nhiều hơn, xuất hiện hàng loạt, đến nay, làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa giảm nhiệt.

Rất nhiều anh chị chủ đầu tư, chủ các mặt bằng kinh doanh đã liên hệ với anh Hiếu, nhờ giúp đỡ tìm khách thuê. “Có người còn bị trả một lúc 5 - 6 cái cửa hàng. Nhiều trung tâm thương mại nhỏ lẻ, cũng không khả quan hơn là mấy, người vào thuê thì không thấy mà kẻ ra thì nhiều”, anh Hiếu bày tỏ.

CHỊU ẢNH HƯỞNG LỚN BỞI KINH DOANH TRỰC TUYẾN

Trên thực tế, hiện đang là tháng 7 âm lịch, người dân cũng hạn chế đi lại và ít có nhu cầu mua sắm, nhiều mặt hàng kinh doanh sẽ đối mặt với sự sụt giảm doanh số. Đặc biệt, trong tháng này, nhiều người sẽ kiêng kị làm việc lớn như đi mua/thuê nhà, mặt bằng hay khai trương, nên loại hình bất động sản cho thuê khó tìm khách thuê mới.

Ngoài ra, vấn đề này được được Bộ Xây dựng đề cập tại báo cáo về thị trường bất động sản trong quý 2/2023. Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết, theo nhận định của một số tổ chức nghiên cứu thị trường thì phân khúc bất động sản văn phòng cho thuê đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, do tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm lại và bối cảnh khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp dần quy mô, nguồn cầu hiện nay có xu hướng giảm do doanh thu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế. Khách thuê tạm hoãn các quyết định thuê mới hoặc mở rộng mặt bằng và chỉ ký gia hạn hợp đồng thuê ngắn hạn.

lan-gio-moi-thoi-mat-thi-truong-bat-dong-san-ha-noi-64a694661a1f7-2178.png

Nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm 2022 tại các trung tâm thương mại cơ bản ổn định, nhu cầu thuê đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm của các thành phố lớn do tình hình kinh doanh ảm đạm và chi phí thuê mặt bằng cao.

Đánh giá về thị trường bất động sản cho thuê, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết, trong nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ Hà Nội ghi nhận hai hình thái phát triển rõ nét. Các trung tâm thương mại có mặt bằng tốt, chủ đầu tư chuyên nghiệp và đáp ứng tiêu chuẩn phê duyệt phòng cháy chữa cháy thu hút lượng khách thuê tốt, với giá thuê thậm chí cao hơn thời điểm cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, tồn tại một tỷ lệ nhất định các mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế và công năng sử dụng. Thêm vào đó, việc các nhãn hàng sau Covid-19 đều hạn chế việc mở tràn lan các mặt bằng và chỉ tập trung vào một cửa hàng flagship nên hệ thống những mặt bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc rất nhanh.

Sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về những chi tiêu cơ bản phần nào làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Trong đó các phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí và thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về mục tiêu tài chính và tối ưu hóa chi tiêu cho những mặt hàng thiết thực hơn.

now-that-your-eyes-are-open-make-the-sun-jealous-with-your-burning-passion-to-start-the-day-make-the-sun-jealous-or-stay-in-bed-1-1781.jpg

Ngoài ra, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn kể từ dịch Covid-19, các nhà bán lẻ sẽ cần thay đổi và thích nghi để phát triển trong bối cảnh hậu đại dịch. Theo đó, mua sắm trực tuyến đã và đang là lựa chọn mới của khách hàng trên nhiều phân khúc hàng hóa.

Bên cạnh đó, các cửa hàng khi thuê mặt bằng sẽ cần tập trung đầu tư tối ưu hóa thiết kế và khả năng hoạt động để đáp ứng nhu cầu khách hàng và cung cấp dịch vụ tốt nhất. Các nhãn hàng đang quan tâm nhiều hơn đến vị trí và điều kiện khi thuê của mặt bằng, nhằm dễ thu hút khách hàng và gia tăng trải nghiệm người dùng.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.