TikTok “sa cơ”, Bytedance tìm cách thúc đẩy một ứng dụng mới tại Mỹ

Được xem như là sự kết hợp giữa Instagram và Facebook, Lemon8 hiện là ứng dụng phong cách được tải xuống nhiều thứ hai ở Mỹ trong 30 ngày qua…

“Gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc ByteDance đang thúc đẩy một ứng dụng truyền thông xã hội mới tại Mỹ vào thời điểm ứng dụng video ngắn hàng đầu của họ - TikTok - có khả năng phải đối mặt với các lệnh cấm ở nước này.

Vào tháng 3, ByteDance đã mời cộng đồng người sáng tạo nội dung (content creator) sử dụng nền tảng mạng xã hội mới có tên gọi là Lemon8 trước khi chính thức ra mắt nó tại Mỹ.

Được gọi là “chị em của TikTok”, Lemon8 - ứng dụng theo chủ đề phong cách sống đã nhanh chóng leo lên các bảng xếp hạng tại Mỹ trong thời gian qua, báo cáo của các phương tiện truyền thông cho thấy.

Theo công ty phân tích data.ai, Lemon8 đã tăng 693 bậc để trở thành ứng dụng phong cách sống được tải xuống nhiều thứ hai ở Mỹ trong 30 ngày qua, vượt Zillow ở vị trí thứ ba nhưng vẫn thấp hơn Pinterest ở ngôi vị đầu bảng.

“Có vẻ ByteDance đang thúc đẩy Lemon8 như một giải pháp thay thế tiềm năng cho TikTok,” bà Lindsay Gorman, thành viên cấp cao về công nghệ mới nổi tại Quỹ Marshall của Đức nhận xét.

Lemon8, sự kết hợp giữa Instagram và Pinterest, được giới thiệu lần đầu tiên tại Nhật Bản vào đầu năm 2020. Đến nay, Lemon8 đã tích lũy được 17 triệu lượt tải xuống trên toàn cầu, theo Apptopia.

ứng dụng

“Một số thuật toán được sử dụng trong Lemon8 tương tự hoặc hoàn toàn giống với thuật toán trong TikTok, tất nhiên, đây là mấu chốt giúp chúng trở nên cực kỳ phổ biến vì cả hai nền tảng đều có khả cung cấp cho người dùng những gì họ muốn xem”, ông Glenn Gerstell, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế giải thích.

Quảng cáo

Sự lên ngôi của Lemon8 diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang xem xét việc liệu ByteDance có cần thoái vốn cổ phần của mình trong ứng dụng TikTok hay không.

Cũng vào tháng trước, các nhà lập pháp Mỹ đã chất vấn giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew để tìm ra câu trả lời về khả năng hoạt động độc lập của nền tảng trước những ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc đối với công ty mẹ của nó. Cuộc chất vấn này dường như không làm dịu đi những lo ngại của các nhà lập pháp.

Nhiều nhà phân tích như bà Lindsay Gorman cho rằng việc quảng bá Lemon8 một cách tích cực là chiến lược của Bytedance biến nó trở thành “ngôi nhà” mới cho những người sáng tạo nội dung nếu TikTok bị cấm ở Mỹ, cả bà Gorman và ông Gerstell đều cho biết.

“Bytedance đang thúc đẩy hoạt động quảng bá dành riêng cho Lemon8 như một nỗ lực để đưa những người sáng tạo sang nền tảng này nếu TikTok bị cấm. Tuy nhiên, điều này nói thì dễ hơn làm, bởi việc chuyển 150 triệu người dùng TikTok ở Mỹ sang một ứng dụng khác không hề đơn giản”, bà Lindsay Gorman lưu ý.

Dù là một chiến lược kinh doanh linh hoạt, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng việc tạo một ứng dụng khác để thay thế TikTok không phải là giải pháp tối ưu cho ByteDance. Bởi, các ứng dụng của Trung Quốc sẽ tiếp tục bị chính phủ Mỹ theo dõi chặt chẽ vì căng thẳng với Trung Quốc vẫn chưa lắng xuống.

“Lemon8 có thể cung cấp cho Bytedance một phương án dự phòng trong trường hợp xấu đối với TikTok nhưng tôi không coi đó là giải pháp tối ưu cho công ty”, ông Glenn Gerstell đánh giá.

Trong khi đó, về phía chính phủ Mỹ, bà Lindsay Gorman cho rằng các cơ quan quản lý nước này cần đưa ra một khuôn khổ toàn diện để xác định những rủi ro từ các ứng dụng nước ngoài và giải quyết chúng trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tương tự như ý kiến của bà Gorman, ông Eric Noonan - giám đốc điều hành công ty dịch vụ an ninh mạng CyberSheath cho biết: “Các vấn đề sẽ tiếp tục “sinh sôi nảy nở”. Nó giống như kiểu búp bê Matryoshka của Nga vậy. Bạn có TikTok, rồi sẽ mở ra một ứng dụng khác. Bạn mở ứng dụng đó, bạn nhận được tiếp một ứng dụng nữa”.

“Vì vậy, chính phủ Mỹ thực sự cần một khuôn khổ để giải quyết vấn đề này. Nếu không, họ sẽ phải chơi Whack-A-Mole (đập chuột) cho đến hết ngày”, ông Noonan nhấn mạnh.

Tin liên quan

Sacombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 50% lên 9.500 tỷ đồng, hé lộ việc chia cổ tức

Sacombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 50% lên 9.500 tỷ đồng, hé lộ việc chia cổ tức

Sáng ngày 25/4/2023, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng Sacombank (mã chứng khoán: STB) đã được tổ chức tại TP.HCM. Đại hội thảo luận về một số vấn đề quan trọng: kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 và kế hoạch năm 2023; kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022; sửa đổi bổ sung điều lệ của ngân hàng…
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.