Bài toán khó của TP. HCM: Giải ngân 63.000 tỷ đồng trong 70 ngày

Làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long hôm 17/10, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho TP. HCM là 79.263 tỉ đồng và Thành phố đã giao vốn đạt 100%. Đến nay, Thành phố đã giải ngân hơn 16.871 tỉ đồng, đạt 21,29%.

"Tỷ lệ này rất thấp so với kế hoạch của Thành phố và trung bình chung của cả nước", Chủ tịch Phan Văn Mãi thừa nhận.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước trong cùng kỳ báo cáo là 47,29%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của "đầu tầu kinh tế" tính đến hết quý 3 chưa bằng một nửa mức bình quân của cả nước.

Đây cũng là tỷ lệ giải ngân thấp trong số 6 tỉnh Đông Nam Bộ mà Phó thủ tướng đi đôn đốc trong cùng chuyến công tác. Tỷ lệ giải ngân trung bình của 6 tỉnh này, theo Bộ Tài chính, là đạt 35,46%, tương ứng gần 45,6 nghìn tỷ đồng.

Bài toán khó của TP. HCM: Giải ngân 63.000 tỷ đồng trong 70 ngày
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp với tổ công tác của Chính phủ ngày 17/10/2024. Ảnh: https://hochiminhcity.gov.vn/

TP. HCM còn khoảng 63.000 tỷ đồng cần giải ngân từ giờ đến cuối năm nếu muốn hoàn thành 100% số vốn đã giao. Đây rõ ràng là một bài toán khó.

Tuy nhiên, "Thành phố vẫn kiên trì chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là 95%, mặc dù phải tính từng ngày để có thể đạt được mục tiêu đề ra", lãnh đạo TP. HCM phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ.

Báo cáo về triển vọng giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, TP. HCM cho biết, trong số 63.000 tỉ đồng cần giải ngân, có khoảng 30.000 tỷ đồng đã phân bổ cho nhóm giải phóng mặt bằng. Qua rà soát, có khả năng giải ngân được trên 28.000 tỉ đồng, tập trung ở 3 dự án lớn với khoảng 26.000 tỉ đồng là dự án Rạch Xuyên Tâm, Bờ bắc Kênh Đôi và Vành đai 2; đồng thời ở các dự án khác khoảng 3.000 tỉ đồng.

Nhóm thứ hai là các dự án chuyển tiếp đang đúng tiến độ khoảng 9.600 tỉ đồng. Nhóm thứ ba là các dự án khởi công mới với tổng vốn khoảng 8.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, nhóm vướng mắc về quy hoạch có 57 dự án, còn khoảng 4.600 tỉ đồng. Nhóm cuối cùng là 2 dự án lớn đang vướng mắc là dự án chống ngập dự kiến 6.800 tỉ (nhưng dự báo sẽ không giải ngân được do vướng thủ tục) và dự án Tuyến Metro số 1 khoảng 3.700 tỉ đồng, dự kiến sẽ giải ngân được trong năm 2024.

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề xuất: đối với dự án chống ngập, kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh toàn diện dự án và cho phép tiến hành các thủ tục thanh toán trước đây và thanh toán đất.

Chủ tịch UBND TP. HCM cũng nêu một số giải pháp Thành phố đang tập trung thực hiện như: xin họp HĐND Thành phố thường xuyên trong năm để điều chỉnh vốn. Việc này làm cho công tác giải ngân đầu tư công vất vả nhưng mang lại hiệu quả, giải ngân được vốn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận cố gắng của các địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của các địa phương. Đây cũng là khó khăn chung của các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, tỉ lệ giải ngân của 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ (thuộc diện kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 3) còn thấp.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải quyết tâm hơn, bám sát các giải pháp để triển khai tốt hơn. Ông nêu rõ, các địa phương cần tập trung rà soát, phân loại, đánh giá sát hơn các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của mình thì quyết liệt khắc phục. Qua phân tích của các tỉnh, thành phố, cho thấy, có cơ sở khẳng định một số nguồn vốn có thể giải ngân được từ nay đến cuối năm.

Theo hochiminhcity.gov.vn

Tin liên quan

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần làm rõ tổng mức đầu tư, không tô hồng bức tranh tài chính

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần làm rõ tổng mức đầu tư, không tô hồng bức tranh tài chính

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng cần phải tính toán chính xác chi phí xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, không tô hồng bức tranh tài chính, đặc biệt trong giai đoạn vận hành khai thác để đảm bảo dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cao...
Đầu tư công cần nỗ lực lớn

Đầu tư công cần nỗ lực lớn

Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế giai đoạn nước rút 3 tháng cuối năm để hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% cho cả năm.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.