Phát triển điện khí LNG còn nhiều thách thức, dự kiến mức tiêu thụ năm 2023 giảm 18%

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển khí LNG còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, muốn có giá thị trường thì phải có thị trường...

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn "Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII".

Hiện theo quy hoạch điện VIII, mục tiêu năm 2030 là chuyển đổi 18 GW điện than sang 14 GW điện khí LNG và 12 - 15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỷ m3 vào năm 2045.

Việc phát triển nguồn điện nền trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, ammoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

Trao đổi về những thách thức tại toạ đàm nói trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, phát triển điện khí LNG được xác định là giải pháp “xanh” trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại nước ta. Tuy nhiên, nguồn điện này cũng đang gặp phải không ít thách thức để phát triển.

Tiêu thụ khí của điện rất thấp, năm sau thấp hơn năm trước khi điện khí thường xuyên không được ưu tiên huy động. Năm 2023, dự kiến tiêu thụ khí của điện giảm khoảng 18% so với năm 2022 và được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024, ảnh hưởng đến sản xuất, đưa khí về bờ.

Theo ông Long, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu.

Thách thức lớn nhất là đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA). Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương. Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải đàm phán mua bán điện với EVN dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép…

Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do phải nhập khẩu 100% loại nhiên liệu này. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi, giá LNG biến động thất thường. Vì thường chiếm tỉ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Vấn đề kho chứa cũng là thách thức lớn. Hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 1 kho được xây dựng đưa vào vận hành tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, còn nhiều kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc.

Ông Ánh đề nghị: “Muốn làm gì thì làm, phải có thị trường thì hẵng nói đến giá. Ít nhất từ năm 2024, chúng ta hãy chấm dứt câu chuyện về cơ chế chính sách để thực hiện đi. 7 năm cực kì nhanh. Để thực hiện đúng quy hoạch như mong muốn thì những nỗ lực nếu không xác định đúng, nó sẽ trở thành bài học rất đắt giá”.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.