Bạo lực bùng phát ở New Caledonia

Biểu tình và bạo lực bùng phát ở quần đảo New Caledonia nhằm phản đối dự luật điều chỉnh về luật bầu cử tại vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Paris đã phải hủy chặng rước đuốc Olympic 2024 ở New Caledonia, đồng thời áp đặt tình trạng khẩn cấp tại quần đảo ở Thái Bình Dương này.

Bạo lực bùng phát

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết, ít nhất sáu người chết và hàng trăm người, trong đó có khoảng 100 cảnh sát và hiến binh, bị thương do tình trạng bạo lực nghiêm trọng tại quần đảo New Caledonia, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Biểu tình và bạo lực xảy ra trước khi các nghị sĩ Quốc hội Pháp bỏ phiếu về dự luật điều chỉnh một số quy định về bầu cử đối với vùng lãnh thổ New Caledonia. Việc điều chỉnh này sẽ cho phép người dân Pháp cư trú tại New Caledonia trong vòng 10 năm có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh. Một số lãnh đạo New Caledonia cho rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến phiếu bầu của người Kanak bản địa, vốn chiếm khoảng 41% dân số quần đảo này.

Trong vòng bảy ngày kể từ khi bạo lực bùng phát, ông Macron đã phải triệu tập 3 cuộc họp Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp để thảo luận về tình hình nghiêm trọng ở New Caledonia. Nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thống Macron đề xuất đối thoại giữa các phe ủng hộ và phản đối ở New Caledonia nhằm tìm ra giải pháp trước khi diễn ra đại hội đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội Pháp để phê chuẩn dự luật. Nhóm chính trị ủng hộ độc lập (FLNKS) ở New Caledonia bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán.

Để đối phó bạo lực bùng phát, Tổng thống Macron đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở New Caledonia, đồng thời điều động 1.000 binh sĩ và cảnh sát Pháp với vũ khí hạng nặng tới thủ phủ Noumea của New Calodenia để phối hợp lực lượng an ninh sở tại tuần tra, trấn áp những người biểu tình quá khích và lập lại trật tự công cộng. Theo tuyên bố của Điện Elysee, ông Macron cảnh báo nhà chức trách sẽ tiến hành các biện pháp cứng rắn. Tuyên bố nêu rõ không thể dung túng cho bất kỳ hành vi bạo lực nào và nhà chức trách sẽ kiên quyết trấn áp bạo lực.

Tuy nhiên, theo thông tin từ giới chức trách New Caledonia, bất chấp lệnh giới nghiêm được chính quyền vùng ban bố, các vụ bạo lực vẫn nổ ra; nhiều cửa hàng bị cướp phá, trong khi các tòa nhà công cộng, ô-tô bị đốt cháy. Kể từ khi bạo loạn nổ ra, cảnh sát đã bắt giữ hơn 270 phần tử quá khích.

Ưu tiên đàm phán

Tổng thống Macron và người đứng đầu chính quyền New Caledonia Louis Mapou kêu gọi người dân kiềm chế và nối lại đối thoại, trong đó ông Macron hối thúc đại diện các phe phái ở New Caledonia nhanh chóng đến Paris để đàm phán. Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết, nước này sẽ nhanh chóng triển khai thêm cảnh sát đến New Caledonia. Phát biểu ý kiến trước Quốc hội, ông Attal nhắc lại ý định trước hết của chính phủ là tổ chức các cuộc đàm phán với đại diện các phe phái ở New Caledonia, trước khi thông qua dự luật điều chỉnh luật bầu cử đối với vùng lãnh thổ hải ngoại này.

Lo ngại bất ổn chưa được giải quyết, Chính phủ Pháp quyết định hủy bỏ kế hoạch rước đuốc Olympic mùa hè 2024 chặng New Caledonia. Theo kế hoạch, ngọn đuốc Olympic sẽ cập bến New Caledonia ngày 11/6 tới, tuy nhiên Bộ trưởng Thể thao Pháp Amelie Oudea-Castera nhấn mạnh sự kiện này bị hủy bỏ, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và ổn định an ninh trật tự tại vùng lãnh thổ này.

Trong khi đó, ngày 20/5, một máy bay vận tải quân sự đã hạ cánh xuống New Caledonia để sơ tán du khách mắc kẹt tại đây. Đây là chuyến bay giải cứu du khách đầu tiên tới vùng lãnh thổ này trong bối cảnh người biểu tình phong tỏa sân bay quốc tế La Tontouta, sân bay chính ở New Caledonia. Máy bay này nằm trong một loạt chuyến bay mà Australia và New Zealand đang điều tới New Caledonia để sơ tán du khách quốc tế, trong đó có nhiều công dân hai nước.

Một nhóm doanh nghiệp tại New Calodenia, nơi sinh sống của 270.000 người dân địa phương, ước tính thiệt hại từ cuộc bạo loạn hiện nay là 200 triệu euro (217 triệu USD), nhưng tổn thất đối với danh tiếng của quần đảo này là không thể đong đếm, bởi du lịch là nguồn thu chính của vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Vận động viên nhảy dù cao tuổi nhất

Vận động viên nhảy dù cao tuổi nhất

AP đưa tin, tổ chức Guinness vừa qua đã công nhận ông Alfred Blaschke (trong ảnh) sống tại Texas (Mỹ) là “Vận động viên nhảy dù cao tuổi nhất thế giới”, khi ông thực hiện cú nhảy lúc đã 106 tuổi 327 ngày.
Afghanistan thiệt hại nặng vì lũ quét

Afghanistan thiệt hại nặng vì lũ quét

Mưa bão gây lũ lụt, lở đất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà tại một loạt địa phương ở Afghanistan. Các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Afghanistan khắc phục hậu quả thiên tai.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.