Kinh tế Mỹ tốt hơn dưới thời Đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa?

Gần đây, nhiều thông tin cho thấy hiệu suất kinh tế dưới thời Tổng thống Joe Biden tốt hơn nhiều so với đánh giá của cử tri. Vậy trong lịch sử thì sao? Các số liệu thống kê cho thấy, kể từ sau Thế chiến II, kinh tế Mỹ đã liên tục phát triển mạnh mẽ hơn dưới các tổng thống Đảng Dân chủ so với Đảng Cộng hòa.

Điều này thậm chí còn ít được biết đến, kể cả trong nội bộ Đảng Dân chủ. Một số cuộc khảo sát còn cho thấy nhiều người Mỹ tin rằng chính quyền Cộng hòa mới là người dẫn dắt nền kinh tế tốt hơn.

Việc ít người biết đến thực tế này không hoàn toàn là điều khó hiểu. Ý kiến rằng kinh tế Mỹ hoạt động tốt hơn dưới thời một đảng nào đó có thể nghe như một tuyên bố thiên vị chính trị và không đáng tin cậy. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là dữ liệu lại hoàn toàn ủng hộ điều này.

1. Thống kê nói gì

Kể từ sau Thế chiến II, Đảng Dân chủ đã đạt mức tăng trưởng việc làm trung bình 1,7% mỗi năm khi cầm quyền, so với 1,0% dưới Đảng Cộng hòa.

Tăng trưởng GDP hàng năm dưới các chính quyền Dân chủ đạt trung bình 4,23%, trong khi con số này chỉ là 2,36% dưới các chính quyền Cộng hòa, tạo ra sự khác biệt đáng kể 1,87 điểm phần trăm.

Dữ liệu này bao gồm 19 nhiệm kỳ tổng thống từ Truman đến Biden. Nếu lùi lại xa hơn, bao gồm thời kỳ Đại Suy thoái với Tổng thống Herbert Hoover và Franklin Roosevelt, khoảng cách này còn lớn hơn.

Kết quả tương tự xuất hiện bất kể việc tính nhiệm kỳ bắt đầu từ quý đầu tiên của tổng thống đương nhiệm hay tính vào người tiền nhiệm.

Mỗi nhiệm kỳ trung bình của Đảng Dân chủ chỉ có 1 quý suy thoái trong 16 quý, trong khi trung bình nhiệm kỳ của Đảng Cộng hòa có tới 5 quý suy thoái – một khác biệt đáng kinh ngạc.

2. Nghi ngờ có cơ sở

Ngay cả những người tin rằng Đảng Dân chủ có thể đã áp dụng các chính sách tốt hơn cũng khó lý giải được sự chênh lệch lớn này. Thực tế, nền kinh tế chịu tác động từ nhiều yếu tố không thể dự đoán và các chính sách của tổng thống thường không tác động mạnh mẽ và tức thì đến vậy.

Thêm vào đó, nhiều chính sách có tác động chủ yếu sau thời gian dài hơn một nhiệm kỳ tổng thống. Ví dụ, Tổng thống Jimmy Carter đã bổ nhiệm Paul Volcker làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang vào năm 1979 với sứ mệnh đánh bại lạm phát bằng mọi giá.

Chính sách này thành công, mở đường cho thời kỳ “Đại Ổn định” kéo dài 20 năm sau đó, nhưng lại gây suy thoái ngay vào năm 1980, khiến Carter thất bại trong cuộc bầu cử tái nhiệm năm đó.

Thực tế, đây là cuộc suy thoái duy nhất xảy ra khi một tổng thống Đảng Dân chủ tại vị trong 70 năm qua.

3. Có phải chỉ là ngẫu nhiên?

Liệu sự khác biệt trong kết quả kinh tế có thể chỉ là do ngẫu nhiên? Thoạt đầu có thể nghĩ như vậy, nhưng các phương pháp thống kê lại chỉ ra điều ngược lại.

Năm cuộc suy thoái gần đây nhất đều bắt đầu khi một tổng thống Đảng Cộng hòa đang cầm quyền (Reagan, G.H.W. Bush, G.W. Bush hai lần, và Trump). Xác suất xảy ra chuỗi sự kiện này một cách ngẫu nhiên, nếu xác suất suy thoái là ngang nhau cho cả hai đảng, là (1/2)^5, tức là 3,1%.

Điều này tương đương với xác suất tung được 5 mặt “sấp” liên tiếp trong 5 lần tung đồng xu – một khả năng rất thấp. Sự khác biệt này được coi là “có ý nghĩa thống kê ở mức tin cậy 95%”.

Nếu xét xa hơn, có tới 9 trong số 10 cuộc suy thoái gần đây nhất bắt đầu dưới thời tổng thống Cộng hòa. Xác suất để điều này xảy ra ngẫu nhiên là một phần trăm, tức là 0,98%.

Blinder và Watson (2016) cũng chỉ ra một thực tế đáng chú ý khác. Họ xem xét 8 lần chuyển giao quyền lực từ một tổng thống Đảng này sang Đảng kia kể từ sau Thế chiến II. Nếu tính thêm hai tổng thống gần đây nhất là Trump và Biden, thì có 10 lần chuyển giao như vậy.

Trong 5 lần chuyển giao từ tổng thống Dân chủ sang Cộng hòa, tốc độ tăng trưởng đều giảm so với nhiệm kỳ trước; ngược lại, trong 5 lần chuyển giao từ Cộng hòa sang Dân chủ, tốc độ tăng trưởng đều tăng. Không có ngoại lệ nào. Xác suất xảy ra điều này ngẫu nhiên là một phần nghìn, tức là có ý nghĩa thống kê ở mức 99,9%.

Vì vậy, có thể bác bỏ quan điểm rằng hiệu suất kinh tế mạnh mẽ hơn dưới thời các tổng thống Cộng hòa. Nhưng nguyên nhân thực sự khiến nền kinh tế Mỹ phát triển tốt hơn dưới các tổng thống Dân chủ vẫn là một bí ẩn.

Bài báo trên được viết bởi Jeffrey Frankel, đăng tải trên trang Trung tâm Belfer thuộc Harvard Kennedy School.

 

Tin liên quan

Bê bối rúng động giới y khoa

Bê bối rúng động giới y khoa

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) gần đây đã xác nhận phát hiện hành vi sai trái trong nghiên cứu của một nhà khoa học thần kinh hàng đầu ở cơ quan này. Vụ việc khiến giới chức y tế lo ngại ảnh hưởng những chương trình điều trị liên quan bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson và Alzheimer, vốn rất phổ biến.
Lại “nóng” vấn đề di cư tới châu Âu

Lại “nóng” vấn đề di cư tới châu Âu

Các vụ tấn công bằng dao xảy ra liên tiếp đã thúc đẩy chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz xem xét lại chính sách kiểm soát người di cư, tị nạn bất hợp pháp. Nước này sẽ sớm nối lại việc trục xuất người nhập cư và xin tị nạn về Syria và Afghanistan, như một phần trong gói các biện pháp nhằm siết chặt an ninh và chính sách tị nạn.
Sáng kiến bệnh viện di động ở Ấn Độ

Sáng kiến bệnh viện di động ở Ấn Độ

Arogya Maitri Disaster Management Cube (tạm dịch là "Hộp xử lý khủng hoảng Arogya Maitri") là bệnh viện dã chiến đầu tiên trên thế giới có thể vận chuyển bằng đường hàng không. Đây là sáng kiến của Ấn Độ nhằm chuẩn bị trong các tình huống cứu hộ khẩn cấp.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.