Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) bày tỏ quan ngại về tình trạng nhiều quốc gia còn cách xa mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, vốn được nhất trí trong các cuộc đàm phán của LHQ về khí hậu nhằm hạn chế tình trạng Trái đất nóng lên.
Kết quả phân tích của IEA về chính sách và kế hoạch của gần 150 quốc gia trên thế giới cho thấy, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu có thể chỉ đạt vỏn vẹn 8.000 GW trong sáu năm tới. Con số này thấp hơn nhiều mức 11.000 GW cam kết tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cuối năm 2023.
Theo IEA, nếu cứ thiếu quyết tâm, nỗ lực cùng sự thờ ơ, “bình chân như vại” như thời gian qua, mục tiêu tăng độ “phủ sóng” của năng lượng tái tạo sẽ trở nên xa vời. Tuy nhiên, IEA vẫn tin rằng chính phủ các nước còn nhiều công cụ để tăng tốc, thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). NDC là danh sách các mục tiêu do mỗi nước đặt ra nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol khẳng định, tăng gấp ba công suất tái tạo là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng có thể đạt được khi các nước nhanh chóng biến cam kết thành hành động.
Trong nghiên cứu công bố ngày 5/6 trên tạp chí Earth System Science Data, các nhà khoa học cho biết giai đoạn 2014-2023, nhiệt độ Trái đất tăng 0,26oC, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng 1,19oC, đồng thời kết luận rằng, tình trạng Trái đất nóng lên do con người gây ra đang gia tăng với tốc độ chưa từng thấy. Nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân chính của hiện tượng nóng lên toàn cầu là lượng khí thải nhà kính đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, lượng phát thải trung bình hằng năm giai đoạn 2013-2022 là 53 tỷ tấn CO2, chủ yếu từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt. Điều đó có nghĩa “ngân sách” carbon của thế giới, lượng khí thải nhà kính được thải ra trước khi đẩy Trái đất vượt qua ngưỡng tăng 1,5oC so thời kỳ tiền công nghiệp, đang bị
co hẹp nhanh chóng. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc LHQ cảnh báo, “ngân sách” carbon chỉ còn khoảng 200 tỷ tấn CO2 vào đầu năm nay, so mức 500 tỷ tấn của năm 2020.
SONG MINH