Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 25/5 tuyên bố, ông không hoan nghênh ý tưởng về một quân đội duy nhất của Liên minh châu Âu (EU) vì đó sẽ là sự "sao chép" của khối quân sự này.
Trong tuyên bố, Tổng Thư ký NATO hoan nghênh những nỗ lực của EU về quốc phòng khi EU tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng khẳng định EU không thể thay thế NATO, đồng thời cho biết EU chỉ chiếm 20% tổng chi tiêu của NATO. Theo ông Stoltenberg, nếu các quốc gia thành viên NATO thiết lập "các cấu trúc chỉ huy thay thế", các quốc gia này "rất có thể sẽ sao chép lại các chức năng của NATO" và việc giải tán quân đội của mỗi nước để thành lập một quân đội chung là điều không thực tế.
Ủy ban châu Âu (EC) gần đây đã đưa ra một đề xuất lập pháp về một chiến lược công nghiệp quốc phòng EU, trong đó bao gồm việc tăng cường sản xuất vũ khí và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên như thành lập một quân đội chung.
Đề xuất của EC phù hợp quan điểm của Tổng thống Pháp E.Macron. Nhà lãnh đạo Pháp từ lâu đã lo ngại rằng, các nước châu Âu có nguy cơ trở thành "chư hầu" của các siêu cường như Mỹ và Trung Quốc nếu lục địa này không phát triển năng lực quân sự của riêng mình. Đối với Tổng thống Macron, cuộc chiến Ukraine đã trở thành một phép thử về khả năng tồn tại của châu Âu trong một thế giới mà các bảo đảm an ninh của Mỹ không còn chặt chẽ. Đặc biệt là khi Nga đang ngày càng chiếm được lợi thế trên chiến trường trước Ukraine.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist, Tổng thống Macron đã có phát biểu gây sốc khi cho rằng “NATO đang chết não”, ngụ ý rằng tổ chức quân sự lớn nhất thế giới đang suy yếu và châu Âu cần phải tăng cường sức mạnh của “lục địa già” trước các mối đe dọa.
Những động thái của châu Âu đang cho thấy mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương trong nhiều thập niên có nguy cơ rạn nứt. Bất đồng ngày càng lan rộng trong các vấn đề chiến lược toàn cầu có thể khiến NATO phải đẩy mạnh cải tổ nếu không muốn các thành viên châu Âu trong tổ chức chia rẽ và mất đoàn kết.
AN LINH