Nỗi ám ảnh mang tên Boko Haram

Quân đội Nigeria vừa giải cứu hàng trăm con tin, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị các phần tử Hồi giáo cực đoan Boko Haram giam giữ trong một thời gian dài. Đã 10 năm kể từ vụ bắt cóc hơn 250 nữ sinh ở làng Chibok, bang Borno vào năm 2014 khiến cả thế giới chấn động, nạn bắt cóc và bạo lực do Boko Haram gây ra vẫn luôn là nỗi ám ảnh với quốc gia Tây Phi.

Theo AP, hàng trăm con tin, chủ yếu là những phụ nữ bị các phần tử cực đoan Boko Haram bắt giữ và ép kết hôn, cùng với con cái của họ, đã được giải cứu khỏi một khu rừng ở phía đông bắc Nigeria và giao nộp cho chính quyền. Thiếu tướng quân đội Nigeria, ông Ken Chigbu cho biết, 350 con tin vừa được giải cứu, gồm 209 trẻ em, 135 phụ nữ và 6 người đàn ông, bị giam giữ trong rừng Sambisa trong một thời gian dài. Khi được giải cứu, tất cả đang ở tình trạng kiệt sức.

Một số phụ nữ đã bị ép kết hôn với phiến quân và sinh con khi chúng giam cầm họ. Do đó, nhiều đứa trẻ là con của các nạn nhân nữ từng bị bắt cóc trước đây với các tay súng Boko Haram. Hajara Umara là một trong những con tin bị bắt cóc nhiều năm trước. Cô đã sinh 7 đứa con và vừa được giải cứu cùng các con. Umara cho biết: “Tôi luôn muốn trốn thoát nhưng không thể vì có bọn trẻ. Nếu họ bắt được một người đang cố trốn chạy, họ sẽ tra tấn và bỏ tù vô thời hạn”. Quân đội Nigeria xác nhận đã tiêu diệt một số phần tử cực đoan trong chiến dịch giải cứu và phá hủy những ngôi nhà tạm được cho là nơi trú ẩn của chúng.

Quân đội Nigeria cho hay, hành động giải cứu con tin nằm trong một chiến dịch quân sự kéo dài nhiều ngày qua ở rừng Sambisa, nơi từng là khu bảo tồn thiên nhiên trải dài dọc biên giới giữa Nigeria với Cameroon và Niger. Song, từ khi nhóm cực đoan phát động cuộc nổi dậy vào năm 2009, rừng Sambisa đã trở thành vùng đất mà Boko Haram và các phe phái ly khai lấy làm căn cứ để thực hiện những cuộc tấn công chống lại quân đội chính phủ. Các tay súng cũng nhắm vào người dân và lực lượng an ninh ở các nước láng giềng.

Boko Haram được thành lập vào năm 2002, ban đầu thu hút những người tị nạn và thanh niên Nigeria thất nghiệp tham gia các hoạt động cướp bóc và truyền bá tư tưởng cực đoan. Sau vụ bắt cóc hơn 250 sinh viên nữ từ ký túc xá ở Chibok, bang Borno vào tháng 4/2014, Boko Haram đã nổi lên trở thành một trong những nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Vụ bắt cóc khiến giới chức Nigeria tăng cường thắt chặt và gia tăng các biện pháp an ninh. Để đối phó vụ các bắt cóc và hoạt động bạo lực leo thang của Boko Haram, năm 2015, Chính phủ Nigeria đã đề ra chương trình phối hợp giữa các cơ quan an ninh, các nước láng giềng và các nước đối tác khác.

Tuy nhiên, bạo lực do Boko Haram và các nhánh của nhóm này gây ra vẫn tồn tại, là nỗi ám ảnh đối với Nigeria và các quốc gia láng giềng. Trong những năm gần đây, những vụ bắt cóc tập trung ở những khu vực miền trung và tây bắc Nigeria, nơi đang chìm trong xung đột. Tại những “điểm nóng” này, không riêng phiến quân Boko Haram, còn có hàng chục nhóm vũ trang khác thường nhắm mục tiêu vào dân làng và khách du lịch để đòi tiền chuộc. Số liệu thống kê chính thức ghi nhận ít nhất 176 cuộc đụng độ vũ trang giữa các nhóm vũ trang, trong đó có Boko Haram, với quân đội chính phủ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2024. Theo các cơ quan của LHQ tại Nigeria, ít nhất 35 nghìn người đã thiệt mạng và 2,1 triệu người phải di dời do bạo lực cực đoan liên quan hoạt động của các nhóm vũ trang.

Giới chức Nigeria cảnh báo Boko Haram đã sử dụng nhiều chiến thuật và phương pháp khác nhau để lan truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Đáng chú ý, nhóm này vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng Cameroon, Chad và Niger. Boko Haram triển khai nhiều cuộc tấn công táo bạo nhằm vào các chốt an ninh, đồng thời gây ra bất ổn làm ảnh hưởng trực tiếp tới dân thường, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.

Bạo lực bùng phát ở New Caledonia

Bạo lực bùng phát ở New Caledonia

Biểu tình và bạo lực bùng phát ở quần đảo New Caledonia nhằm phản đối dự luật điều chỉnh về luật bầu cử tại vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Paris đã phải hủy chặng rước đuốc Olympic 2024 ở New Caledonia, đồng thời áp đặt tình trạng khẩn cấp tại quần đảo ở Thái Bình Dương này.
Vận động viên nhảy dù cao tuổi nhất

Vận động viên nhảy dù cao tuổi nhất

AP đưa tin, tổ chức Guinness vừa qua đã công nhận ông Alfred Blaschke (trong ảnh) sống tại Texas (Mỹ) là “Vận động viên nhảy dù cao tuổi nhất thế giới”, khi ông thực hiện cú nhảy lúc đã 106 tuổi 327 ngày.
Afghanistan thiệt hại nặng vì lũ quét

Afghanistan thiệt hại nặng vì lũ quét

Mưa bão gây lũ lụt, lở đất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà tại một loạt địa phương ở Afghanistan. Các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Afghanistan khắc phục hậu quả thiên tai.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.