Thách thức tính độc lập của đại học Mỹ

Những ngày qua, căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và trường đại học danh tiếng nhất thế giới Harvard đang thu hút sự chú ý của dư luận. Theo truyền thông thế giới, cuộc đối đầu này có thể làm rõ giới hạn quyền lực của Tổng thống cũng như thách thức khả năng độc lập của các trường đại học tại Mỹ.

The New York Times cho hay, mâu thuẫn giữa Nhà trắng và Harvard bắt nguồn từ một lá thư mà chính quyền Tổng thống Trump gửi đến ban giám hiệu nhà trường vào ngày 11/4 vừa qua. Nội dung trong thư được cho là yêu cầu Harvard có cách thức ngăn sinh viên biểu tình, điều chỉnh cơ cấu quản trị và ban lãnh đạo, đổi mới quy trình tuyển sinh và chấm dứt các chương trình "Đa dạng, công bằng và hòa nhập" (DEI). Yêu cầu được đưa ra sau khi Nhóm liên ngành chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) thuộc Bộ Giáo dục Mỹ cáo buộc Harvard "không bảo đảm an toàn cho sinh viên, giảng viên Do Thái".

Gần 3 ngày sau, Harvard từ chối những yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Trong thư phản hồi, Chủ tịch Harvard Alan Garber cho biết: "Chính phủ, dù do đảng nào nắm quyền, cũng không nên định đoạt các trường đại học nên giảng dạy nội dung gì, có thể tuyển sinh và tuyển mộ sinh viên, giảng viên thế nào, hay theo đuổi lĩnh vực học thuật nào".

Ngay khi Harvard từ chối chính sách do chính phủ đưa ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ "đóng băng" khoản tài trợ nhiều năm trị giá 2,2 tỷ USD và 60 triệu USD hợp đồng nghiên cứu dành cho trường đại học này. Một ngày sau đó, ông Trump còn dọa tước quyền miễn thuế của Harvard và cắt hoàn toàn tài trợ liên bang.

Trước những động thái từ chính phủ, người phát ngôn của Trường đại học Harvard đánh giá Nhà trắng "không có cơ sở pháp lý" để thu hồi đặc quyền miễn thuế của trường. "Chính phủ Mỹ từ lâu đã miễn thuế cho các trường đại học để hỗ trợ sứ mệnh giáo dục của họ. Việc xóa bỏ chính sách miễn thuế có thể khiến chúng tôi phải cắt giảm hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên, ngừng các chương trình nghiên cứu y tế quan trọng, thậm chí đánh mất cơ hội đổi mới giáo dục. Việc sử dụng sai mục đích công cụ đánh thuế có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với tương lai giáo dục đại học của nước Mỹ", đại diện Harvard nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ An ninh Nội địa Mỹ tiếp tục đe dọa tước giấy phép tuyển du học sinh quốc tế của Harvard, trong khi du học sinh chiếm tới 25% tổng số sinh viên tại đây. Bộ trưởng Kristi Noem còn đưa ra "tối hậu thư" cho Harvard, yêu cầu trường cung cấp hồ sơ hạn chót là ngày 30/4, liên quan một số sinh viên nước ngoài bị cho là tham gia những hoạt động "bất hợp pháp và có tính chất bạo lực". "Nếu Harvard không chứng minh được họ đang tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ báo cáo với nhà chức trách, nhà trường sẽ mất quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế", bà Noem tuyên bố.

Căng thẳng giữa Nhà trắng và trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ đã gây ra dư luận trái chiều những ngày qua. Cựu Tổng thống Barack Obama, người từng học tại Trường Luật Harvard, cùng 2 Thượng nghị sĩ là ông Chuck Schumer (cựu sinh viên Harvard) và ông Bernie Sanders (từng giảng dạy tại Harvard) cho rằng, các trường đại học nên có quan điểm nhất quán nhằm bảo đảm quyền tự chủ.

Theo AP, Trường đại học Harvard là cơ sở dẫn đầu trong nghiên cứu y học, khoa học, công nghệ tiên tiến. Cũng như hầu hết các trường đại học khác tại Mỹ, Harvard cũng phụ thuộc lớn vào ngân sách liên bang. Trong năm tài chính 2024, Chính phủ Mỹ cấp cho Harvard khoảng 686 triệu USD. Nếu mất nguồn hỗ trợ này, các nghiên cứu sẽ bị đình trệ hoặc không thể khởi động dự án mới.

Nghiên cứu của Hiệp hội các nhà quản lý đại học Mỹ (NACUBO) cho thấy, ngoài khoản tài trợ liên bang, quỹ hiến tặng của Harvard hiện ở mức khoảng 50 tỷ USD. Trong năm qua, quỹ này mang lại mức sinh lời 9,6%. Dù có quỹ tài trợ rất lớn, song Harvard không thể chi tiêu tùy ý khoản tiền khổng lồ này, bởi phần lớn các quỹ đều bị ràng buộc về định hướng mục đích sử dụng, do người hiến tặng đưa ra, chẳng hạn như tài trợ học bổng, hỗ trợ trả lương cho giảng viên hay tài trợ nghiên cứu...

Với tình hình căng thẳng leo thang như hiện tại, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng một cuộc chiến pháp lý sẽ nổ ra giữa chính quyền ông Trump và Trường đại học Harvard thời gian tới.

Tranh cãi quanh vụ rơi máy bay ở Kazakhstan

Tranh cãi quanh vụ rơi máy bay ở Kazakhstan

Ngày 26/12 vừa qua, lực lượng chức năng Kazakhstan đã tìm thấy hộp đen thứ hai tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không Azerbaijan Airlines xảy ra trước đó một ngày. Phát hiện hy vọng sẽ làm sáng tỏ thảm kịch gây nhiều tranh cãi này.
Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.