Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong giảm phát thải, truy xuất dấu chân carbon giúp trái thanh long Bình Thuận vững bước tiến ra thị trường thế giới.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tính đến nay, trái thanh long của tỉnh này đã xuất khẩu đi khoảng 20 quốc gia trên thế giới, bao gồm bốn châu lục là châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc.
Trái thanh long xuất khẩu sang các thị trường khó tính có vai trò không nhỏ của hệ thống truy xuất dấu chân carbon cho thanh long đầu tiên tại Việt Nam. Đây là thành quả của dự án Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bạc Liêu thực hiện.
Dự án hỗ trợ bà con nông dân thiết lập một thiết bị đo lường phát thải tự động ở từng vườn trồng thanh long thuộc bốn hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Tính đến hiện tại, có khoảng gần 270 ha thanh long của 188 hộ gia đình tham gia vào hệ thống theo dõi dấu chân carbon. Đến cuối năm 2023, đã có khoảng hơn 23 nghìn tấn thanh long được truy xuất dấu chân phát thải carbon. Với những trái thanh long này, người tiêu dùng khắp thế giới chỉ cần quét mã QR để truy cập thông tin canh tác và lượng phát thải.
Cùng với đó, diện tích thanh long thuộc dự án cũng được canh tác theo chuẩn quy trình GlobalGAP và được cấp chứng nhận. Đảm bảo chất lượng, minh bạch thông tin về tính bền vững giúp trái thanh long Bình Thuận dễ dàng thâm nhập vào những thị trường khó tính, vốn đang áp dụng nhiều hàng rào kỹ thuật liên quan đến trách nhiệm môi trường của sản phẩm.
Nói cách khác, truy xuất dấu chân carbon được xem là tấm “visa” đưa thanh long xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Minh chứng cho nông nghiệp xanh
Khẳng định việc truy xuất dấu chân carbon cho thanh long là thành công nổi bật của dự án, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UDDP tại Việt Nam, cũng nhìn nhận, điều này là minh chứng cho thấy có thể ứng dụng nhiều giải pháp sáng tạo nhằm phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị COP28 vừa qua, Việt Nam là một trong số hơn 140 quốc gia thông qua Tuyên bố Emirates về nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và hành động vì khí hậu. Trước đó, tại COP26, Việt Nam cũng đưa ra cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Các giải pháp chuyển đổi bền vững trong sản xuất nông nghiệp, đơn cử như trái thanh long, góp phần quan trọng để thực hiện những tuyên bố và cam kết quốc tế này.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển bền vững dần trở thành yêu cầu bắt buộc, theo dõi và cắt giảm khí thải là yếu tố quan trọng nâng cao tính cạnh tranh của trái thanh long nói riêng và nông sản nói chung.
Mặt khác, các giải pháp bền vững còn giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí. Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết, riêng việc sử dụng 80 nghìn bóng đèn LED đã giúp diện tích thanh long thuộc dự án tiết kiệm được hơn 50% lượng điện tiêu thụ.
Các giải pháp tưới tiêu giúp bà con giảm hơn 40% lượng nước. Cùng với đó, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời cũng giúp nông dân trồng thanh long tiết kiệm nhiều chi phí.
Ông Dũng cho biết thêm, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng gần 28 nghìn héc-ta thanh long, sản lượng trên 600 nghìn tấn mỗi năm, đứng đầu cả nước. Trái thanh long góp phần quan trọng vào kinh tế của tỉnh Bình Thuận, cũng như là giải pháp giúp người nông dân ổn định sinh kế và nâng cao đời sống.
Vì vậy, ông Dũng kỳ vọng, thành công của dự án sẽ tiếp tục được lan tỏa để việc canh tác thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trở nên thực sự bền vững, hiệu quả.
Hoàng Đông