Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng thu mua nguyên vật liệu tại chỗ

Theo kết quả khảo sát của JETRO, tỷ lệ thu mua nguyên vật liệu tại chỗ của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng lên 41,9% và thu mua từ các công ty địa phương tăng lên 17,2% trong năm 2023.

Kết quả khảo sát thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2023 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố mới đây cho thấy, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có số lượng đồng đều giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ; giữa ngành chế tạo và phi chế tạo.

Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2023 được JETRO thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á - châu Đại Dương. Trong số gần 5.000 doanh nghiệp trả lời hợp lệ có 849 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, chiếm số lượng nhiều nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát.

Nội dung khảo sát chính về triển vọng lợi nhuận kinh doanh; kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh trong tương lai; hấp dẫn và khó khăn về môi trường đầu tư; nhân lực và môi trường tuyển dụng; khai thác thị trường nội địa; thu mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện; tình hình xuất nhập khẩu; nỗ lực khử carbon; nhân quyền trong chuỗi cung ứng và tiền lương.

Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng thu mua nguyên vật liệu tại chỗ
Ông Takeo Nakajima, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) chia sẻ thông tin kết quả khảo sát.

Tiềm năng tăng trưởng thị trường là lợi thế hàng đầu của Việt Nam

Tại buổi công bố khảo sát, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng đại diện tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) cho biết, số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng có lãi trong năm 2023 là 54,3%, tỷ lệ này thấp hơn 6,6 điểm so với mức trung bình của ASEAN.

"Lý do là sự sụt giảm nhu cầu trong nước và ngoài nước; chi phí nhân công và chi phí thu mua nguyên vật liệu tăng, cạnh tranh khốc liệt với đối thủ khác…", Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho hay.

Kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2024 so với năm 2023, số doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi cải thiện là 50,4%, nhiều công ty đang hy vọng vào sự cải thiện nhờ phục hồi của năm 2023.

Về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7% (giảm 3,3 điểm so với năm 2022). Lý do mở rộng kinh doanh của cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều lựa chọn là do mở rộng nhu cầu thị trường nội địa và tăng xuất khẩu. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng do mở rộng nhu cầu thị trường trong nước chiếm 62%.

Mặc dù tham vọng mở rộng vẫn cao, nhưng theo khảo sát, Việt Nam là nước duy nhất trong 6 nước ASEAN chủ chốt có tỷ lệ mở rộng giảm so với năm trước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trong đó, quy mô thị trường/ tiềm năng tăng trưởng được 70,2% doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát coi là lợi thế hàng đầu của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường trong nước. Tỷ lệ này cao hơn 14,6 điểm so với mức trung bình của ASEAN. Tiếp theo là các lợi thế: tình hình chính trị, xã hội ổn định; chi phí nhân công rẻ... cũng được đánh giá cao hơn so với mức trung bình của ASEAN.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng còn nhiều thách thức như: việc thực hiện các thủ tục hành chính; tỷ lệ nghỉ việc cao; cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện...

Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thu mua nguyên vật liệu tại chỗ cao nhất ASEAN

Đáng chú ý tại kết quả khảo sát năm 2023 của JETRO, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thu mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện tại chỗ là 41,9%, tăng 4,6 điểm so với khảo sát năm trước. Tỷ lệ thu mua từ các công ty địa phương là 17,2%, tăng 2,2 điểm so với năm trước trong khi tỷ lệ thu mua từ khu vực ASEAN là 10,4% (tăng 2,5 điểm so với năm trước). Tỷ lệ thu mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện từ doanh nghiệp Nhật Bản là 30,9% (giảm 4 điểm so với năm trước).

Về triển vọng thu mua tại chỗ trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi sẽ mở rộng tại Việt Nam là 43,2%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28,8% của ASEAN. Xét theo quốc gia/ khu vực, Việt Nam chỉ sau Ấn Độ và Pakistan, đứng đầu trong ASEAN. Theo ngành nghề, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động thu mua tại địa phương là các ngành máy móc vận chuyển, máy móc y tế/ chính xác, dệt may, máy móc điện/ điện tử và máy móc chung.

JETRO cho rằng, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn có động lực cao trong thúc đẩy hoạt động thu mua tại chỗ, đồng thời kỳ vọng vào sự đào tạo, phát triển hơn nữa đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.

Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng thu mua nguyên vật liệu tại chỗ 2
(Nguồn: Khảo sát của JETRO, 2023)

Theo khảo sát, tỷ lệ xuất khẩu trung bình của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trên doanh thu là 49% (giảm 2,4 điểm so với năm trước). Những năm gần đây, tỷ lệ xuất khẩu có xu hướng giảm do số lượng doanh nghiệp định hướng bán hàng trong nước ngày càng tăng.

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tận dụng được các FTA, EPA và Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) là 51,3% (tăng 3 điểm so với khảo sát năm trước), tức là khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp đã tận dụng được các ưu đãi.

Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính với tỷ lệ 34,4% (tăng 5 điểm so với năm trước); đồng thời doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng lương trung bình 5,6%, mức trung bình trong khu vực nhưng tỷ lệ tăng thuộc nhóm cao nhất.

Về vấn đề nhân lực, theo khảo sát của JETRO, 42,7% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết họ đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực.

Tính theo ngành, tỷ lệ thiếu hụt nhân lực trong ngành phi chế tạo là 45,2%; trong đó hơn 60% doanh nghiệp trong các lĩnh vực bán lẻ, thông tin viễn thông, tài chính, bảo hiểm, giáo dục, y tế... đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.

Mức độ thiếu hụt nghiêm trọng với các vị trí quản lý yêu cầu có kinh nghiệm và chuyên môn là 67,2%; ngành nghề chuyên môn là 61,8%; nhân sự IT là 56,8%. Tỷ lệ thiếu hụt lao động tại các nhà máy trên toàn Việt Nam là 49%.

"Có vẻ như đang có sự cạnh tranh về nguồn nhân lực trong bối cảnh hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn vào ngành chế tạo", JETRO nhận định.

Đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu

Đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu

Hoạt động XTTM với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã được triển khai với định hướng đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; tăng cường tận dụng cơ hội từ các thị trường có FTA; tăng cường các hoạt động XTTM liên kết vùng, miền để đảm bảo thị trường ổn định cho xuất khẩu.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.