Theo Kế hoạch Chính phủ vừa ban hành, đoàn công tác của Việt Nam sẽ phối hợp với các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) khảo sát các tuyến vận tải trong khuôn khổ GMS.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1052/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ bổ sung tuyến đường, cặp cửa khẩu vào Nghị định thư số 1 Hiệp định Tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (Kế hoạch).
Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của Bản ghi nhớ bổ sung tuyến đường, cặp cửa khẩu vào Nghị định thư số 1 Hiệp định Tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng - Hiệp định CBTA (Bản ghi nhớ) phù hợp với các nguyên tắc của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; hoàn thiện và tăng cường cơ chế phối hợp; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Phổ biến tuyên truyền về Bản ghi nhớ
Theo Kế hoạch, thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện Bản ghi nhớ và báo cáo Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khác (nếu có), bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi Bản ghi nhớ.
Phổ biến tuyên truyền về Bản ghi nhớ và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Bản ghi nhớ cho các đối tượng có liên quan thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như công việc cần triển khai để thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ.
Chú trọng tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan về các quy định liên quan đến Bản ghi nhớ, bảo đảm đội ngũ công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, hiểu rõ, hiểu đúng, nhằm thực hiện Bản ghi nhớ đầy đủ và hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua các hình thức phù hợp, tăng cường sử dụng môi trường kỹ thuật số hoặc đăng tải tài liệu trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền nhằm tăng khả năng tiếp cận của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng thời đảm bảo tính tương tác, hiệu quả, tiết kiệm.
Tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động vận tải đường bộ qua biên giới theo cơ chế của Bản ghi nhớ
Theo Kế hoạch, tổ chức đoàn công tác của Việt Nam phối hợp với các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) khảo sát các tuyến vận tải trong khuôn khổ GMS; trong đó tập trung tìm hiểu một số thông tin (Chiều dài tuyến, hành trình chạy xe, điều kiện kết cấu hạ tầng, các điểm dừng nghỉ, bến xe, điểm giao nhận hàng hóa trên tuyến; các loại phí khi đi qua lãnh thổ các nước trên tuyến; thời gian thủ tục xuất nhập cảnh người và phương tiện, xuất nhập khẩu hàng hóa khi qua các cửa khẩu của các nước trên tuyến; các quy định về tải trọng xe, tốc độ chạy xe của các nước trên tuyến ...), qua đó đánh giá hiệu quả hoạt động vận tải theo cơ chế của Bản ghi nhớ.
Đồng thời, rà soát, đề xuất bổ sung các tuyến đường, cặp cửa khẩu vào thực hiện vận tải đường bộ trong GMS. Phối hợp với các nước GMS tham gia họp trong khuôn khổ GMS để trao đổi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Bản ghi nhớ để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Bản ghi nhớ và đề xuất các biện pháp/giải pháp cụ thể trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện Bản ghi nhớ, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất, bổ sung tuyến đường, cặp của khẩu trong khuôn khổ GMS.
Năm 1992, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc thuộc Tiểu vùng Mê Công Mở rộng (Greater Mekong Subregion, viết tắt là GMS), được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và trên cơ sở những điểm chung về lịch sử và văn hóa, đã khởi xướng Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với nhau.
Trong những năm gần đây, hợp tác giữa các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đã được gia tăng đáng kể. Khu vực này được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn trong ASEAN. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của ASEAN và ASEAN+, các nước ở khu vực GMS cũng có nhiều sáng kiến và nỗ lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư đến phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực và môi trường…