Trong chuỗi sự kiện Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, sáng 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc Kim Tráng Long.
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác Việt Nam có đại diện Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng trong Bộ Công Thương như: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Công nghiệp, Viện Cơ khí, Báo Công Thương và Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc Nông Đức Lai...
Về phía Trung Quốc có ông Kim Tráng Long - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc; cùng một số lãnh đạo cán bộ, chuyên viên đang công tác tại Bộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng Kim Tráng Long cùng cộng sự đã dành thời gian tiếp Đoàn. Nhân dịp 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời chúc mừng những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong 75 năm qua, nhất là từ sau Đại hội XX đến nay.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng dưới sự lãnh đạo kiên cường của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, dưới sự định hướng của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc sẽ xây dựng toàn diện cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai.
Nhấn mạnh về ý nghĩa của chuyến công tác tới Trung Quốc lần này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, đoàn công tác lần này có mục đích nhằm triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc tháng 8 vừa qua, đồng thời tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, công nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.
Trước đó, Đoàn công tác phía Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào để trao đổi, thảo luận về những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi lời cảm ơn đến đồng chí Bộ trưởng Kim Tráng Long cùng các đồng nghiệp đã tích cực phối hợp để ký kết “Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công Thương và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc”. Việc ký kết văn kiện này có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để hai Bên thúc đẩy các nội dung hợp tác thế mạnh để phát triển công nghiệp mỗi bên, đồng thời phát triển quan hệ hợp tác giữa hai Bộ.
Điểm lại tình hình phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong những năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Sau gần 40 năm đổi mới, nhất là trong giai đoạn 10 năm từ năm 2011 đến năm 2020, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, đưa Việt Nam trở thành nướcđang phát triển có thu nhập trung bình.
Cũng theo Bộ trưởng, ngành công nghiệp của Việt Nam được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng.
Không những vậy, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
“Lợi thế về vị trí địa lý gần gũi và việc Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác rộng lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP đã giúp cho chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần gũi hơn, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của hai nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Đề ra phương hướng để thúc đẩy hợp tác công nghiệp nhanh, mạnh hơn nữa giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên cạnh việc triển khai hiệu quả Bản thoả thuận mới ký, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị:
Thứ nhất, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Thúc đẩy hợp tác với một số tập đoàn/doanh nghiệp có quy mô lớn đã đầu tư tại Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam trong việc triển khai sản xuất các sản phẩm xe thương mại phù hợp với định hướng của Chính phủ và thị trường Việt Nam.
Thứ hai, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng. Theo Bộ trưởng, ngành thực phẩm của Trung Quốc đang áp dụng các công nghệ tiên tiến như 5G và trí tuệ nhân tạo để cải thiện hoạt động kinh doanh trong ngành chế biến thực phẩm. Việc sử dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất của các công ty chế biến đã đem lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp thực phẩm tại Trung Quốc.
Ngoài ra, công nghệ cao còn được ứng dụng trong một số lĩnh vực khác của ngành công nghiệp thực phẩm như đóng gói và vận chuyển.
Cùng đó, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi và phát triển, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình áp dụng, nâng cấp dây chuyền công nghệ, giảm thiểu mức độ lãng phí nguyên liệu trong khâu chế biến thực phẩm.
Thứ ba, trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường, phù hợp với các quy định pháp luật, tiêu chuẩn của Việt Nam.
“Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các dự án khai thác chế biến khoáng sản có yêu cầu công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại, đảm bảo môi trường và có thị trường tiêu thụ sản phẩm” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Thứ tư, trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế chính sách cấp trung ương và địa phương về phát triển chuỗi cung ứng. Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp FDI Trung Quốc và doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Ngoài ra, đề nghị phía Trung Quốc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài; chia sẻ thông tin, tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ cán bộ, chuyên gia của Việt Nam trong quản lý và phát triển các ngành công nghiệp.
“Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cơ khí, công nghiệp chế tạo... và cả những lĩnh vực năng lượng mới. Vì vậy, rất mong đồng chí Bộ trưởng Kim Tráng Long quan tâm, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất và đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).
Đánh giá cao những đề xuất từ phía Việt Nam, Bộ trưởng Kim Tráng Long hoan ngênh Đoàn công tác phía Việt Nam, dẫn đầu là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đang có chuyến công tác tại Trung Quốc và làm việc với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác công nghiệp giữa hai nước.
Bộ trưởng Kim Tráng Long cũng đánh giá cao Bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết giữa hai Bộ trong tháng 8/2024 vừa qua, hai bên có thể thiết lập những cơ chế hợp tác, trao đổi thường xuyên để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, công nghiệp phát triển hơn nữa. Đưa ra những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Kim Tráng Long cho biết, doanh nghiệp hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm như vật liệu thô, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện, phối hợp phát triển hệ thống các khu công nghiệp...
“Hiện nay nhiều hãng ô tô lớn tại Trung Quốc đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh vào Việt Nam. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, dựa trên nhu cầu của mỗi nước” - Bộ trường Kim Tráng Long thông tin và đề nghị phía Việt Nam cũng dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc những cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp phát triển.
Liên quan đến đề xuất hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng Kim Tráng Long khẳng định, đây là lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng. “Chúng tôi sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu trao đổi, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên nghiên cứu, thực hiện các dự án hợp tác trong công tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách pháp luật của hai nước” - Bộ trưởng Kim Tráng Long khẳng định.
Khẳng định hợp tác ngành công nghiệp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa, Bộ trưởng Kim Tráng Long đề xuất, hai bên cần thúc đẩy, xây dựng phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp; thúc đẩy hợp tác lĩnh vực công nghiệp điện, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, và thúc đẩy phát triển công nghệ hàng không vũ trụ...
Đáng chú ý, trong buổi làm việc, Bộ trưởng Kim Tráng Long cũng nhấn mạnh đến tiềm năng, không gian hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ. “Trung Quốc đã có trạm không gian vũ trụ của riêng mình, do Trung Quốc tự chủ. Vừa rồi, Thái Lan cũng đã tham gia vào trạm không gian vũ trụ của Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ là một thành viên trong đó” - Bộ trưởng Kim Tráng Long đề xuất, đồng thời kêu gọi Việt Nam hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo máy bay. Phía Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không.
Cảm ơn những chia sẻ từ phía Bộ trưởng Kim Tráng Long, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những lĩnh vực hợp tác phía Trung Quốc đưa ra đều là những lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt trong hợp tác hàng không vũ trụ. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan ngênh phía Trung Quốc ưu tiên hợp tác phát triển lĩnh vực công nghiệp với các nước láng giềng, gần gũi, trong đó có Việt Nam để cùng nhau phát triển theo triết lý “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong nhiệm vụ chức năng và quyền hạn, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện hết sức tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng, trên cơ sở Bản ghi nhớ đã được ký kết và buổi làm việc hôm nay, hai cơ quan sẽ có những hoạt động hợp tác tích cực, hiệu quả trong tương lai, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng gửi lời mời tới đồng chí Bộ trưởng Kim Tráng Long và các đồng nghiệp Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc bố trí thăm Việt Nam và làm việc với Bộ Công Thương trong thời gian gần nhất.