Vui buồn xuất khẩu nông sản

Bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng nông sản tiếp tục tăng trưởng mạnh, tuy nhiên số lượng các lô hàng bị cảnh báo “vượt rào” tiêu chuẩn kỹ thuật cũng tăng nhanh.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 34,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu chứng kiến sự đột phá ấn tượng, chẳng hạn như cà phê đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 31%, gạo đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 25%, rau quả đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, một số mặt hàng nông sản đang trên đường thiết lập kỷ lục mới về xuất khẩu trong năm 2024. Theo thông tin từ Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, xuất khẩu hạt cà phê có thể đạt mốc 6 tỷ USD xuất khẩu, mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử nhờ giá cà phê tăng cao, có thời điểm tăng hơn 50% cùng kỳ.

Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngành hàng rau quả hoàn toàn có khả năng đạt mốc 7 – 7,5 tỷ USD xuất khẩu, nhờ sự đóng góp lớn từ những loại trái cây chủ lực bao gồm chuối, sầu riêng và thanh long.

Một số mặt hàng đang được gấp rút hoàn thiện thủ tục nghị định thư xuất khẩu chính ngạch cũng nâng tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng rau quả sang các thị trường lớn.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ hàng Việt Nam bị cảnh báo về tiêu chuẩn chất lượng cũng gia tăng. Theo Văn phòng SPS Việt Nam, nửa đầu năm 2024, Việt Nam có 57 lượt bị cảnh báo từ phía Liên minh châu Âu (EU), tăng hơn 80% so với cùng kỳ.

Cụ thể, một số mặt hàng như rau quả, gia vị, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm, cá, mực, các sản phẩm chế biến như tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở… bị cảnh báo do có dấu hiệu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kiểm soát vi sinh vật gây hại.

Điều này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó một số mặt hàng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt bao gồm thanh long, đậu bắp, ớt và sầu riêng.

Không chỉ châu Âu mà Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam và từ lâu vẫn được coi là thị trường dễ tính, cũng không ít lần cảnh báo về chất lượng nông sản.

Theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây, có 77 lô sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện chứa hàm lượng cadmium cao vượt mức cho phép, vi phạm quy định về nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. 77 lô sầu riêng này liên quan đến 33 nhà máy đóng gói và 40 vùng trồng.

Bên cạnh đó, 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng trồng của Việt Nam đã bị cấm xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc kể từ tháng 6 vừa qua.

Thực tế, câu chuyện nông sản bị “tuýt còi” không hoàn toàn là lỗi từ phía Việt Nam. Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó giảm đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand cũng thường xuyên phải nhận những cảnh báo về tiêu chuẩn chất lượng.

Các thị trường xuất khẩu không ngừng cập nhật tiêu chuẩn chất lượng là điều khó tránh khỏi, do đó, ông Nam đề nghị các đơn vị sản xuất, xuất khẩu cần chủ động trong việc kiểm soát dư lượng các hoạt chất, dư chất, vi sinh được thị trường xuất khẩu cảnh báo.

Bên cạnh đó, các hiệp hội, ngành hàng cần tích cực cập nhập, phổ biến quy định tới hội viên, còn cơ quan nhà nước cần tăng cường trao đổi, đàm phán để tháo gỡ khó khăn đối với thị trường nhập khẩu.

 

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.