ASEAN là thị trường hàng đầu mà các doanh nghiệp Việt nhắm đến để mở rộng kinh doanh tới 2026.
Bất chấp những bất ổn đang diễn ra như căng thẳng địa chính trị và nhu cầu toàn cầu chững lại, hầu hết doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại.
Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, theo nghiên cứu triển vọng doanh nghiệp mới nhất của ngân hàng UOB Việt Nam.
Trong đó, gần 2/3 cho biết, động lực hàng đầu là để tăng doanh thu.
Các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới là một phương tiện phổ biến để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, với tỷ lệ hơn 9 trên 10 doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng kênh này.
Khi nhìn vào các khu vực, ASEAN là lựa chọn hàng đầu, với tỷ lệ gần 7 trong 10 doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực này. Trong đó, Thái Lan là quốc gia quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Indonesia.
Sau ASEAN, Trung Quốc là thị trường trọng điểm thứ hai.
HSBC trong khảo sát tháng 4 năm nay cũng chỉ ra xu hướng tương tự, cho biết tỷ lệ khoảng 9 trên 10 doanh nghiệp tại Việt Nam được khảo sát có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các thị trường ASEAN.
94% doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng hoạt động thương mại của họ trong nội khối ASEAN tăng trong năm 2024, với hơn 1/4 kỳ vọng mức tăng cao hơn 30%.
Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra năng lực công nghệ trong nước và thách thức về chuỗi cung ứng là những rào cản hàng đầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam khi tìm cách mở rộng ra thị trường ASEAN mới.
Theo đó, HSBC nhấn mạnh sự cần thiết phải lập kế hoạch cẩn thận và tìm kiếm tư vấn chuyên môn khi đầu tư ra nước ngoài.
Trong khi đó, UOB đánh giá, thiếu khách hàng tại thị trường mới, thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế cùng khó khăn trong tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác là những rào cản hàng đầu với doanh nghiệp Việt khi tiến ra nước ngoài.
Để thành công trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang mong đợi những hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế, các nguồn tài trợ hoặc trợ cấp dành cho các thị trường mới.
Bên cạnh những hỗ trợ tài chính này, hơn 40% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi cho biết đang tìm kiếm các hỗ trợ phi tài chính, như kết nối với các doanh nghiệp lớn là khách hàng tiềm năng mà công ty của họ có thể cung cấp ở thị trường nước ngoài.
Ngân hàng UOB Việt Nam bắt đầu hoạt động như một ngân hàng độc lập ngày 2/7/2018, và là một ngân hàng con của Ngân hàng UOB tại Singapore, một ngân hàng hàng đầu tại châu Á.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh
Phương Anh