Vướng mắc cơ chế bảo trì, nhiều nhà tái định cư ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng

Nhà ở tái định cư tại Hà Nội được xây dựng nhằm mục đích an cư cho người dân. Tuy nhiên, nhiều tòa nhà tái định cư bị xuống cấp nhưng không có kinh phí bảo trì vì cơ chế vẫn còn nhiều vướng mắc.

Nhà ở tái định cư tại Hà Nội được xây dựng nhằm mục đích an cư cho người dân. Tuy nhiên, nhiều tòa nhà tái định cư bị xuống cấp nhưng không có kinh phí bảo trì vì cơ chế vẫn còn nhiều vướng mắc.

Hiện trạng nhà tái định cư ở Hà Nội

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội khi hàng loạt tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng sau một thời gian sử dụng, nhưng không được bảo trì, sửa chữa kịp thời.

Vướng mắc cơ chế bảo trì, nhiều nhà tái định cư ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng

Có thể điểm qua một số dự án tái định cư ở Hà Nội như: Nhà G5 và nhà A26 phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), đã xuống cấp sau 13 năm vận hành, khiến 150 hộ dân sống trong thấp thỏm, lo âu.

Hay như dự án tái định cư khu đô thị Thành phố Giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) với 3 tòa nhà CT1 A, B và C được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Sau gần 10 năm vận hành, hàng loạt hạng mục như tường nhà, hầm để xe, hệ thống PCCC đều cho thấy dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Hệ thống thoát nước, đường ống dẫn nước cứu hỏa bị rò rỉ dưới các tầng hầm nhiều năm nhưng chưa thể khắc phục triệt để. Do vậy, cư dân phải tự sử dụng các biện pháp thô sơ nhất để trám vá các vị trí hư hỏng như dùng túi nylon, miếng xốp rồi dùng xô, chậu để hứng nước bị dột từ đường ống.

Vướng mắc cơ chế bảo trì, nhiều nhà tái định cư ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng 2

Bà Nguyễn Thị Thái (cư dân CT1B, Khu đô thị thành phố Giao Lưu) cho biết, trước khi dọn về ở, bà được hứa hẹn nơi này sẽ tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, qua trải nghiệm thực tế, bà than phiền: “Hầm xe ngấm nước, bốc mùi ẩm mốc, trong khi hệ thống thoát nước, đường ống dẫn nước cứu hỏa chỗ bị vỡ, chỗ bị rò rỉ. Ý kiến đến ban quản lý dự án nhiều lần nhưng việc khắc phục không hiệu quả”.

Ngoài ra, theo ông Phan Văn Hưng (cư dân Khu đô thị thành phố Giao Lưu), nhiều bình chữa cháy hiện chỉ dùng để chặn cửa ra vào, phủ bụi dày đặc. Trong khi đó, các đèn báo sự cố hư hỏng... Còn trong các căn hộ, cư dân không rõ hệ thống báo khói và hệ thống chữa cháy tự động có hoạt động được hay chỉ lắp cho có.

Bất cập trong quỹ bảo trì nhà tái định cư

Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thông tin, do mức phí để quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư tái định cư thu theo quy định của TP hiện nay rất thấp (khoảng 30.000 đồng/hộ/tháng), trong khi mức thu phí để vận hành cơ bản phải từ 4.000 - 5.000 đồng/m2/tháng nên không đủ để bù chi phí bảo trì, sửa chữa.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - Đặng Trần Trung cho biết, từ năm 2016, để thực hiện công tác bảo trì các quỹ nhà, đơn vị được thành phố phê duyệt dự toán thu chi theo quy định.

Tuy nhiên, từ năm 2020 cho đến nay, do phát sinh việc diện tích kinh doanh thương mại ở các tòa nhà tái định cư không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư số 124/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính nên không còn nguồn thu thực hiện công tác bảo trì nhà tái định cư.

Đồng thời, một trong những nguyên nhân lớn khiến nhà tái định cư bị xuống cấp mà không được sửa chữa kịp thời là do không có hoặc có nhưng rất ít kinh phí bảo trì 2%.

Trên thực tế, nhiều chung cư tái định cư lại được xây dựng và bàn giao trước thời điểm Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực, do vậy có nhiều tòa nhà không có hoặc có rất ít kinh phí bảo trì. Còn đối với các tòa nhà có quỹ bảo trì, bởi nhà tái định cư được bán với giá rẻ nên quỹ bảo trì 2% cũng không đáng kể.

Hơn nữa, theo quy định Luật Nhà ở 2014, trường hợp kinh phí bảo trì không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

Tuy nhiên, việc xây dựng quỹ bảo trì mới là điều vô cùng khó khăn khi đó là một khoản tiền không nhỏ và không phải hộ dân nào cũng có khả năng đóng góp. Ngoài ra, pháp luật hiện nay chỉ quy định trách nhiệm của chủ sở hữu có trách nhiệm đóng góp kinh phí bảo trì nhưng lại không quy định biện pháp để buộc người chủ sở hữu phải đóng, chưa có hướng dẫn về nộp thêm sau khi sử dụng hết nguồn kinh phí bảo trì 2%.

Trước thực trạng trên, đầu tháng 6/2023, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư rà soát, phân loại chất lượng cụ thể các hạng mục hạ tầng tại nhà tái định cư.

Ngoài ra, Sở này cũng có văn bản gửi Sở Tài chính, đề nghị thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt dự toán thu, chi với hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa tái định cư.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.