Trong các dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư, nổi bật nhất có 3 dự án BT tại sân bay Nha Trang. Các dự án này nhiều năm liền chậm tiến độ, không thể đưa vào khai thác vào cuối năm 2017 như doanh nghiệp đã cam kết.
Theo hồ sơ, Tập đoàn Phúc Sơn là nhà đầu tư được tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện các dự án các tuyến đường, các nút giao kết nối sân bay Nha Trang, dự án đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và dự án nút giao thông Ngọc Hội theo hình thức hợp đồng BT.
Nguồn vốn để thanh toán cho các dự án BT là các quỹ đất thuộc khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang. Tính đến tháng 8/2022, tổng tiến độ 3 dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn đạt khoảng 38%, tổng chi phí đầu tư là 1.284 tỷ đồng.
Riêng nút giao thông Ngọc Hội, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng đối với nhánh phía Bắc (N4). Khi nào đủ mặt bằng thì nhà đầu tư sẽ lên kế hoạch thi công. Đến ngày 25/8/2023, tổng chi phí chủ đầu tư đã đầu tư dự án là 772 tỷ đồng.
Việc chậm tiến độ các dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn đã gây bức xúc dư luận, đặc biệt tại nút giao Ngọc Hội thường xuyên ùn tắc giao thông cục bộ.
Ngoài ra, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu doanh nghiệp này phải nộp 11.944 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên đến nay, Tập đoàn Phúc Sơn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, các dự án vẫn dở dang.
Tại Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đã thực hiện khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn, với quy mô giai đoạn 1 là 15ha tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.668 tỷ đồng.
Sau giai đoạn 1, dự án về cơ bản đã được xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật như san nền, điện, nước, giao thông, cây xanh, trường mầm non.
Đối với giai đoạn 2, chủ đầu tư sẽ xây dựng các công trình hạ tầng xã hội cũng như phần thô công trình nhà ở kết hợp thương mại nằm ở hai bên đường tỉnh lộ 304.
Trong 98,3ha đất nhà ở đô thị và dịch vụ thương mại, diện tích thuộc thị trấn Thổ Tang của dự án là khoảng 27,24ha, diện tích thuộc xã Vĩnh Sơn khoảng 2,21ha và diện tích thuộc xã Thượng Trưng khoảng 68,84ha.
Đất chức năng nhà ở, thương mại bao gồm khu dân cư cũ, khu cơ quan cũ và mới của dự án là 16,4ha, trong đó, 10,74ha thuộc thị trấn Vĩnh Tường và 5,71ha thuộc xã Thượng Trưng.
Tiếp đến là dự án khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại tại huyện Vĩnh Tường, có tổng diện tích lên đến hơn 186ha.
Dự án khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường do Công ty cổ phần đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Phần đô thị đang trong quá trình xây dựng có diện tích gần 93ha. Dự án này nằm trên địa bàn các xã: Yên Lập, Tân Tiến và Lũng Hòa thuộc huyện Vĩnh Tường.
Cùng với đó, Phúc Sơn cũng làm dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng. Đây là dự án được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt từ năm 2010, với thời gian thực hiện trong 5 năm (2010 - 2015) và tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Ngoài những dự án trên, Tập đoàn Phúc Sơn còn thực hiện khu nhà ở cho người thu nhập thấp 15 tầng tại thành phố Vĩnh Yên; cụm công nghiệp Thổ Tang; khu đô thị Bàu Giang (Quảng Ngãi)…
Như Thương gia đã đưa tin trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long cùng các đơn vị liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi “Hậu Pháo”), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và 5 nhân viên khác.
Còn 5 nhân viên bị khởi tố gồm Nguyễn Thị Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn), Đỗ Thị Mai (kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn), Hoàng Thị Tuyết Hạnh (kế toán viên Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn), Trần Hữu Định (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group) và Nguyễn Hồng Sơn (lao động tự do).
Theo điều tra ban đầu, những cá nhân trên đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, phạm vào khoản 3, điều 221 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các quyết định, lệnh tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt, triển khai thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra xác minh, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi, kê biên triệt để theo đúng quy định của pháp luật.