“Mất bò” mới lo mua bảo hiểm

Sau cơn bão Yagi, nhiều người dân mới thực sự nhận ra giá trị của việc mua bảo hiểm. Những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và kinh tế khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, và bảo hiểm trở thành giải pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống trước những rủi ro bất ngờ…
Bãi Cháy khắc phục hậu quả bão Yagi3.jpg

Cơn bão số 3 (bão Yagi) không chỉ tàn phá tài sản mà còn để lại những hậu quả lâu dài về kinh tế và đời sống. Chỉ khi đối diện với những mất mát này, nhiều người mới nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản và sinh kế qua bảo hiểm.

RỦI RO MỚI LO BẢO HIỂM

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Chẳng hạn, Hải Phòng - một trong hai địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua - thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.

Hậu quả của cơn bão này có thể kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024 của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Ước tính cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%.

Còn theo báo cáo nhanh từ Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp bảo hiểm hiện đã nhận được yêu cầu bồi thường tổng cộng ước tính trên 7.000 tỷ đồng, liên quan đến khoảng 9.000 vụ thiệt hại tài sản và xe cơ giới.

Tuy nhiên, số tiền thực tế chi trả có thể thay đổi. Nó có thể thấp hơn nếu các yêu cầu không nằm trong phạm vi bồi thường của doanh nghiệp, hoặc cao hơn nếu có thêm yêu cầu mới và tổn thất phát sinh sau bão (như lũ lụt, sạt lở) từ các cá nhân và tổ chức.

Đáng chú ý, vẫn còn nhiều người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại chưa tham gia hoặc tham gia bảo hiểm không đầy đủ cho nhà ở, hàng hóa, nhà xưởng… Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không nhận được bồi thường và chỉ có thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước và các mạnh thường quân, làm gia tăng gánh nặng cho cả Nhà nước và cộng đồng.

Có thể thấy rằng mức tổn thất bảo hiểm hơn 7.000 tỷ đồng chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tổng thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Nếu người dân và doanh nghiệp được khuyến khích mua bảo hiểm đầy đủ hơn, số tiền bảo hiểm chi trả có thể tăng lên đáng kể, từ đó giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và cộng đồng.

Trên thực tế, tình trạng mua bảo hiểm chưa đầy đủ, không đọc kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi ký kết… diễn ra rất phổ biến. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức không mua bảo hiểm toàn diện, phạm vi bảo hiểm không đủ rộng, chỉ tập trung vào các rủi ro phổ biến như cháy nổ, trong khi bỏ qua các nguy cơ lớn như thiên tai, lũ lụt, hay giông bão. Điều này dẫn đến việc khi các sự cố thiên tai xảy ra, doanh nghiệp không thể yêu cầu bồi thường do các rủi ro này không nằm trong phạm vi bảo hiểm đã ký kết.

Về phía người dân, phần lớn không mua bảo hiểm cho tài sản cá nhân, ngoại trừ các tài sản có giá trị lớn như ô tô, hoặc những tài sản được yêu cầu bảo hiểm khi giao dịch qua ngân hàng.

Đối với các công trình xây dựng, một số công trình bắt buộc phải mua bảo hiểm thiên tai theo quy định của pháp luật, các công trình kiến trúc như trường học, bệnh viện.. cũng thường chỉ mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, mà không quan tâm đến việc bảo hiểm rủi ro thiên tai. Điều này tạo ra một lỗ hổng lớn trong việc bảo vệ tài sản trước các yếu tố bất khả kháng như lũ lụt, sạt lở đất.

Với nhà ở dân cư, đa số người dân không mua bảo hiểm, ngoại trừ một số ít cư dân sống tại các khu chung cư cao cấp, nhưng ngay cả ở đó, bảo hiểm chủ yếu được mua là bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Các khu vực nông nghiệp và hạ tầng kỹ thuật như đường sá, cầu cống, hệ thống cấp nước và điện gần như không có sự tham gia của bảo hiểm, mặc dù đây là những lĩnh vực dễ chịu tác động của thiên tai.

Một điều đáng lưu ý khác là nhiều hợp đồng bảo hiểm hiện nay có quy định loại trừ đối với các sự cố như sạt lở đất, ngập lụt do nước tràn từ sông, hồ hoặc đập. Điều này khiến các doanh nghiệp và tổ chức gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường khi các thiệt hại xuất phát từ những nguyên nhân này.

Tuy nhiên, tình trạng mua bảo hiểm chưa đầy đủ không chỉ xuất phát từ sự thiếu sẵn sàng của bên mua, mà còn do giới hạn của các công ty bảo hiểm, khi họ không thể cung cấp bảo hiểm cho các tài sản có mức độ rủi ro quá cao hoặc nằm trong các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Ghi nhận từ các công ty bảo hiểm cho thấy, thiệt hại do bão lũ tại Việt Nam thường tập trung ở các khu vực nông nghiệp, thủy sản, và nhà cửa không kiên cố của người dân. Các loại tài sản này, dù có muốn mua bảo hiểm, thì cũng khó có thể tìm được nhà cung cấp bảo hiểm chấp nhận bán vì rủi ro quá lớn

Ngoài ra, cần lưu ý rằng các sản phẩm bảo hiểm thiên tai chủ yếu là tự nguyện, không bắt buộc phải mua hoặc bán. Theo quy định hiện hành, công ty bảo hiểm không được phép từ chối bán những sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, nhưng với bảo hiểm tự nguyện, quyết định phụ thuộc vào khả năng chịu đựng rủi ro của công ty.

THÊM “TẤM KHIÊN” BẢO VỆ TÀI SẢN

Từ thực tế trên, câu hỏi đặt ra là các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cần bổ sung mua thêm những loại bảo hiểm nào để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và giảm gánh nặng cho Nhà nước và cộng đồng khi xảy ra thiên tai.

Hiện nay, trên thị trường đã có một số loại hình bảo hiểm bao gồm các rủi ro thiên tai như: Bảo hiểm cháy nổ mở rộng bao gồm rủi ro thiên tai, Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, Bảo hiểm công trình dân dụng đang sử dụng…

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng nhận thấy rằng người dân chưa mặn mà với bảo hiểm do thiếu thông tin hoặc không hiểu rõ về sản phẩm.

Do đó, các công ty bảo hiểm cần chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế, và cải tiến chất lượng dịch vụ. Đây cũng là cơ hội để các công ty bảo hiểm phát triển các sản phẩm đáp ứng tốt hơn các rủi ro thiên tai, mang lại lợi ích không chỉ cho người mua mà còn đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Việc áp dụng phí bảo hiểm cao hơn cho các sản phẩm rủi ro cao cũng có thể là một giải pháp để cân bằng rủi ro tài chính, giúp doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo lợi nhuận trong khi khách hàng vẫn sẵn lòng mua.

Mặc dù các sản phẩm bảo hiểm thiên tai hiện nay đã có sẵn trên thị trường, nhưng thực tế cho thấy nhiều rủi ro tại Việt Nam không nằm trong diện được tái bảo hiểm. Điều này khiến các công ty bảo hiểm không thể đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng về bảo hiểm thiên tai.

Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam. Ngay cả tại các thị trường phát triển, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng từ chối bán bảo hiểm cho một số loại hình có rủi ro cao. Sự khác biệt là các thị trường phát triển thường có năng lực tài chính mạnh hơn, cùng với chất lượng xây dựng nhà cửa, công trình hạ tầng tốt hơn, do đó tỷ lệ từ chối bán bảo hiểm thấp hơn.

Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ước tính tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 165.518 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.541 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm trước; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 106.977 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 64.070 tỷ đồng, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.621 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 46.449 tỷ đồng.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.