Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu đáng mừng cho tình hình phát triển chung của toàn ngành thủy sản trong những tháng cuối năm 2024…
Tôm chân trắng vẫn tự tin giữ vững ngôi đầu trong danh sách những mặt hàng thủy sản có sản lượng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài cao nhất trong tháng 8 và lũy kế 8 tháng đầu năm nay.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) công bố số liệu thống kê 5 sản phẩm thủy sản xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 8 gồm tôm chân trắng, cá tra, cá ngừ, tôm sú và mực. Trong đó hầu hết các mặt hàng đều có mức tăng khả quan: tôm chân trắng tăng 19%, cá tra tăng 12%, tôm sú tăng 6%.
Riêng xuất khẩu mực có dấu hiệu sụt giảm hơn 9% so với tháng trước. VASEP nêu ra nguyên nhân lý giải cho sự sụt giảm này vì mức khai thác sụt giảm và những quy định chống khai thác IUU khiến doanh nghiệp chế biến mực không có nguyên liệu để chế biến hàng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, tôm chân trắng mang về doanh số xuất khẩu lớn nhất, với 1,76 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường EU có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong top các thị trường tiêu thụ chính khi tăng gần 18%. Trong đó, 3 thị trường lớn nhất trong khối là Đức, Hà Lan và Bỉ đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số: tăng lần lượt 12%, 24% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, còn nhiều thị trường khác cũng tăng đột phá nhập khẩu tôm thẻ của Việt Nam. Ví dụ, sang Đan Mạch tăng 34%, sang Tây Ban Nha tăng 64%, sang Thụy Điển tăng 24%, sang Ailen tăng 63%, sang Rumani tăng 59%...
Tuy là thị trường tiêu thụ nhiều nhất tôm chân trắng của Việt Nam nhưng sản lượng xuất khẩu tôm chân trắng sang Mỹ 8 tháng đầu năm chỉ tăng gần 7%. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng khiêm tốn 2,4%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Diễn đàn Tôm Toàn cầu (GSF) diễn ra tại Utrecht, Hà Lan, chuyên gia dự báo lượng tôm nhập khẩu năm 2024 trên đà giảm tại hai thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ, mặc dù giá đang ở mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, tại châu Âu, giá trung bình cũng ở mức thấp kỷ lục, nhưng ít nhất thì lượng hàng nhập khẩu đang tăng lên. Dự báo lượng nhập khẩu của châu Âu sẽ tăng 3% lên 330.337 tấn vào năm 2024. Xu hướng chung là Châu Âu sẽ giảm nhập khẩu từ châu Á và chuyển sang Mỹ Latinh, đặc biệt là Ecuador.
Đứng thứ 2 trong danh sách về doanh số xuất khẩu 8 tháng đầu năm, cá tra mang về gần 1,3 tỷ USD, cao hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đến kỳ vọng nhất trong năm 2024 vẫn là thị trường Mỹ với kim ngạch 226 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cá tra giai đoạn POR20 (1/8/2022-31/7/2023) với 8 doanh nghiệp được bỏ thuế, đã tạo thêm động lực để doanh nghiệp nhắm tới thị trường Mỹ nhiều hơn, trong thời gian tới.
Là nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, nhưng do giá nhập khẩu thấp (chỉ dao động từ 1,9 – 2 USD/kg), nên kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc không thể khởi sắc. Tình hình kinh tế khó khăn ở Trung Quốc khiến cho các nhà nhập khẩu nước này thận trọng hơn. Bù đắp lại, xuất khẩu cá tra sang các thị trường Nam Mỹ như Brazil, Colombia lại bứt phá rất tốt: tăng lần lượt 28% và 44%, đồng thời sang Mexico cũng tăng 18%.
Bên cạnh tôm chân trắng, một loại tôm khác cũng nằm trong top 5 loài thủy sản xuất khẩu có sản lượng cao trong 8 tháng đầu năm nay là tôm sú, nhưng giá trị xuất khẩu giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 295 triệu USD. Tôm sú Việt Nam vẫn giữ được vị thế khá tốt ở Nhật Bản và EU, nên dù tình hình thị trường chung không mấy khả quan, xuất khẩu tôm sú sang 2 thị trường này vẫn tăng 7% và 10% so với cùng kỳ.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 648 triệu USD, tăng 48%. Thế mạnh chủ lực của cá ngừ xuất khẩu là cá hộp tăng 19% và xuất khẩu cá ngừ nguyên liệu đóng hộp như loin cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu cá ngừ trong nửa đầu năm chủ yếu là từ lượng hàng dự trữ cuối năm và những tháng đầu năm. Dự báo những tháng cuối năm và năm 2025 xuất khẩu mặt hàng này sẽ gặp khó khăn do gặp vấn đề về nguồn nguyên liệu sản xuất.
Tương tự cá ngừ, mực cũng đang gặp khó về nguồn nguyên liệu. Không những vậy, xuất khẩu mực còn bị chi phối bởi sức tiêu thụ giảm trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hồi phục chậm. Dù cũng có kim ngạch cao nhưng tính đến hết tháng 8, xuất khẩu mực vẫn giảm 6,5% đạt 220 triệu USD so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ có thị trường Trung Quốc tăng 22% nhập khẩu mực Việt Nam, xuất khẩu sang các thị trường chính khác đều giảm. Trong khi đó, xuất khẩu bạch tuộc tăng nhẹ 2,5% đạt 185 triệu USD.
Theo đánh giá của chuyên gia VASEP, dù còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung sản lượng xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm vẫn mang lại tín hiệu tích cực cho cộng đồng ngành thủy sản, với niềm tin năm 2024, xuất khẩu sẽ đạt được kết quả tốt hơn so với năm 2023. Với niềm tin khi những khó khăn được khắc phục, bức tranh ngành thủy sản cuối năm 2024 và năm 2025 sẽ có nhiều điểm sáng hơn.
Hạ Lam