Doanh nghiệp Việt lạc quan giữa nhiều bất ổn

Hầu hết doanh nghiệp Việt được khảo sát mới đây vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại.

Bất chấp những bất ổn đang diễn ra như căng thẳng địa chính trị và nhu cầu toàn cầu chững lại, các nền kinh tế trong khu vực ASEAN vẫn duy trì sự ổn định.

Trong đó, Việt Nam là điểm sáng với triển vọng tích cực vào năm nay với mức tăng trưởng được nhiều tổ chức dự báo hàng đầu ASEAN.

Điều đáng chú ý là hầu hết doanh nghiệp ở Việt Nam được khảo sát vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại, theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng UOB (Singapore) gần đây.

Lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm ngoái nhưng triển vọng năm nay vẫn tích cực, khảo sát cho biết.

Gần 90% doanh nghiệp Việt được hỏi kỳ vọng hiệu quả kinh doanh được cải thiện. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch để tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, nâng cấp trang thiết bị hoặc cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng suất và đa dạng hóa các kênh bán hàng để thúc đẩy tăng trưởng.

Kết quả Chỉ số Nhà quản trị mua hàng mới nhất cũng cho thấy những kỳ vọng của doanh nghiệp sản xuất về số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong năm tới. Điều này đã củng cố niềm tin kinh doanh về triển vọng sản lượng.

Khoảng 40% số người trả lời khảo sát thể hiện sự lạc quan.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới nhất cũng cho thấy chuyển biến tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp.

Bảy tháng đầu năm, gần 140 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính bình quân, mỗi tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Mặc dù tâm lý kinh doanh nhìn chung tích cực, nghiên cứu của Ngân hàng UOB cho thấy có sự sụt giảm trong số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam đạt mức doanh thu tăng trong năm 2023 so với năm trước.

Ba yếu tố vĩ mô hàng đầu tác động đến doanh nghiệp là lạm phát cao, giá cả hàng hóa bất ổn và sự phục hồi sau suy thoái kinh tế.

Để đối phó với những thách thức này, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thận trọng. Trong đó, doanh nghiệp kết hợp giữa các biện pháp ngắn hạn như giảm chi phí và các biện pháp dài hạn như đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm quan hệ đối tác kinh doanh mới để hợp tác trong vòng 1 – 3 năm tới.

Hầu hết doanh nghiệp đã tăng ngân sách cho số hóa, với 80% doanh nghiệp Việt được hỏi đang có kế hoạch chi nhiều hơn cho hoạt động số hóa vào năm nay, hầu hết ngân sách đều tăng từ 10 – 25%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dự kiến sẽ phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm những lo ngại về vấn đề an ninh mạng, thiếu hụt về kỹ năng kỹ thuật số trong đội ngũ nhân viên và rủi ro gia tăng về xâm phạm dữ liệu.

Các doanh nghiệp cho biết họ muốn có thêm các hỗ trợ như ưu đãi thuế/hoàn thuế, giúp kết nối với các nhà cung cấp giải pháp và công nghệ phù hợp cũng như có các chương trình đào tạo để nâng cao hoặc bổ túc kỹ năng cho nhân viên trong việc áp dụng số hóa.

Tăng trưởng vượt dự báo, các tổ chức tài chính lạc quan hơn về kinh tế Việt Nam

Tin liên quan

A0 chính thức tách khỏi EVN

A0 chính thức tách khỏi EVN

The LEADER Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký quyết định tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ trương thành lập mới đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia.
Doanh nghiệp hàng không: Chuyển mình sau cơn bão

Doanh nghiệp hàng không: Chuyển mình sau cơn bão

Nhóm ngành hàng không có thể tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tăng. Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, triển vọng dài hạn còn được hỗ trợ bởi sân bay Long Thành...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.