Theo WiGroup dự báo, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong quý 2/2024 khá cao với khoảng 73 nghìn tỷ đồng. Dự kiến sẽ có khoảng 16 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng đáo hạn và các doanh nghiệp bất động sản vẫn sẽ tiếp tục chịu gánh nặng từ các khoản nợ trái phiếu...
WiGroup vừa công bố báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 5/2024. Tổng quan về thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp, WiGroup cho biết, giá trị gọi thầu tháng 4/2024 đạt 49.000 tỷ đồng, đạt 40,83% giá trị phát hành theo kế hoạch trong quý 2 (120.000 tỷ đồng), trong đó giá trị đặt thầu tiếp tục giảm gần 49% so với tháng trước và 69% so với cùng kỳ.
Tổng giá trị trúng thầu trong tháng đạt mức 21.746 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Tỷ lệ trúng thầu bình quân có sự giảm nhẹ so với tháng trước từ mức 45,7% xuống mức 43%.
Kho bạc Nhà nước gọi thầu kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm chiếm phần lớn giá trị trúng thầu trong tháng 4 với giá trị lần lượt đạt 9.000 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 91,7%); 6.126 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 31,2%) và 5.480 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 34%).
Lãi suất trúng thầu bình quân ở các kỳ hạn nhìn chung vẫn nằm trong xu hướng tăng, riêng kỳ hạn 7 năm giảm từ mức 3,8% (mức ghi nhận từ lần đầu thầu gần nhất trong tháng 3/2023) xuống mức 2,02%, song các kỳ hạn còn lại không có quá nhiều thay đổi so với tháng trước.
Hoạt động giao dịch trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp có phần hạ nhiệt so với tháng trước. Tổng giá trị giao dịch thông thường (outright) đạt 90.116,5 tỷ đồng và giao dịch mua bán lại (repo) đạt 84.441,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,3% và 65% so với cùng kỳ.
Thanh khoản trung bình giao dịch outright đạt mức 4.742,97 tỷ đồng/ngày, tăng 19% so với cùng kỳ và giao dịch Repo là 4.444,28 tỷ đồng/ngày, tăng 74% so với cùng kỳ.
WiGroup cũng cho biết thêm, tổng giá trị giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp trong tháng 4 đạt 90.116,5 tỷ đồng, trong đó trái phiếu có kỳ hạn còn lại là 5 -7 năm, 10 năm và 10 – 15 năm chiếm phần lớn, lần lượt đạt 13%, 15% và 25% tổng giá trị giao dịch.
Trong tháng 4/2024, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 989.2 tỷ đồng. Tính chung luỹ kế 4 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 305.4 tỷ đồng.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong tháng 4/2024, có 13 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của 6 doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành 13.940 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ.
Tính chung lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành đạt hơn 39 nghìn tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ. Ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm ngành dẫn đầu giá trị phát hành trái phiếu trong tháng 4, lần lượt đạt 6.000 tỷ đồng chiếm 43,04% và 7.800 tỷ đồng chiếm 55,95%. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup có giá trị phát hành cao nhất trong tháng với 4.000 tỷ đồng trái phiếu.
“Chúng tôi cho rằng, dự kiến áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong quý 2/2024 sẽ khá cao với khoảng 73 nghìn tỷ đồng (đã trừ đi các khoản mua lại). Dự kiến sẽ có khoảng 16 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng đáo hạn và các doanh nghiệp bất động sản vẫn sẽ tiếp tục chịu gánh nặng từ các khoản nợ trái phiếu” nhóm phân tích từ WiGroup dự báo.
Giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp đạt 10.282,9 tỷ đồng, cao nhất so với 3 tháng đầu năm, nhưng so với cùng kỳ đã giảm 30,43%. Tính chung lũy kế từ đầu năm tổng giá trị mua lại đạt 3.6892,4 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Ngân hàng – chiếm tỷ trọng mua lại trái phiếu cao nhất trong tháng 4, đạt 93,2%. Việc mua lại trái phiếu sắp đáo hạn trong 2025 và phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 4 cho thấy các ngân hàng đang cơ cấu nguồn vốn trung và dài hạn của mình, đặc biệt là vốn cấp 2.
Ngoài ra, trong tháng 4 có bốn doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi (so với ngày thanh toán theo kế hoạch tháng 4/2024) với hơn 53 tỷ tiền lãi chậm trả và 164 tỷ đồng chậm thanh toán gốc. Song có 3/4 doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, tổng giá trị phát hành của các trái phiếu chậm thanh toán là 2.547 tỷ đồng.
Thiên Minh