Hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ buộc phải di dời hoặc ngưng hoạt động từ đầu năm 2025 khi các quy định mới của Luật Chăn nuôi có hiệu lực. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy tích cực hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC).
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Agribank (Agriseco), với vị thế là doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã cổ phiếu DBC - sàn HoSE) sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Điều này sẽ khiến hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước phải ngưng hoạt động.
Các chuyên gia đánh giá, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện có nhiều dịch bệnh và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn. Vì vậy việc di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư là xu thế tất yếu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam hình thành một nền chăn nuôi lớn, hiện đại, có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất thực phẩm của thế giới.
Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi cũng đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Đây là những khái niệm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăn nuôi, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh và các tác động đến môi trường xung quanh.
Việc triển khai các quy định mới này sẽ càng thúc đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch thị phần từ các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ sang các doanh nghiệp lớn đã hoàn thiện chuỗi giá trị như Tập đoàn Dabaco với mô hình chăn nuôi khép kín 3F (từ trang trại đến bàn ăn).
Cơ cấu ngành chăn nuôi Việt Nam cũng đang thay đổi rõ rệt sau các đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi vừa qua. Trong đó, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm mạnh 50% từ mức 4 triệu hộ vào năm 2021 xuống còn 2 triệu hộ vào đầu năm 2023. Hiện nguồn cung heo hơi từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm khoảng 38% tổng nguồn cung toàn thị trường.
Ngược lại, bất chấp các khó khăn của thị trường trong năm 2023 vừa qua, Tập đoàn Dabaco vẫn tiếp tục mở rộng quy mô trang trại. Tập đoàn này đã triển khai Dự án chăn nuôi Thanh Hóa (Công suất: 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm); Dự án lợn giống Phú Thọ - giai đoạn 3 (Công suất: 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm). Hai dự án này giúp tăng tổng quy mô đàn của Tập đoàn Dabaco thêm 25% so với trước đó.
Bên cạnh đó, nguồn cung từ các doanh nghiệp 3F cũng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn các hộ chăn nuôi nhờ tuân thủ vệ sinh an toàn chuồng trại; đồng thời, các doanh nghiệp không có tình trạng bán tháo chạy dịch, giúp hạn chế biến động giá trên thị trường.
Xét về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Tập đoàn Dabaco ghi nhận tổng doanh thu thuần 11.110 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2022. Nếu không tính năm 2022 thì đây là kết quả kinh doanh thấp nhất 15 năm của tập đoàn chăn nuôi này, chủ yếu do giá heo hơi sụt giảm mạnh.
Agriseco hiện dự báo kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dabaco sẽ phục hồi tích cực trong năm 2024 nhờ: biên lợi nhuận cải thiện khi giá heo hơi đang dần phục hồi và giá thức ăn chăn nuôi giảm sâu; mảng vaccine phòng chống dịch tả heo châu Phi đem lại nguồn thu mới; và gia tăng chiếm lĩnh thị phần từ các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ.
Duy Quang