Năng lượng tái tạo, một trong ba mạch máu chính của Vietracimex liên tục gặp vấn đề trong thời gian qua.
Sau "vệt đen" cổ phần hóa, Vietracimex của Chủ tịch Võ Nhật Thăng tiến mạnh vào sân chơi năng lượng tái tạo và đón nhận những trái ngọt đầu mùa giai đoạn trước 2022.
Ngoài bốn dự án thủy điện, Vietracimex là chủ đầu tư ba dự án điện mặt trời và điện gió tại Bình Thuận với tổng công suất 350MW, hai dự án điện gió đều có công suất 350MW tại Cà Mau, Sóc Trăng.
Trong số này, đáng chú ý là ba dự án tại Bình Thuận gồm điện mặt trời Hồng Phong 1A, 1B và điện gió Hòa Thắng 1.2 với tổng giá trị gần 12.000 tỷ đồng. Riêng Hồng Phong 1A, 1B đã kịp vận hành thương mại từ tháng 6/2019, tức kịp mốc hưởng giá FIT 9,35UScents/kWh.
Điện gió Hòa Thắng 1.2 được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 4/2017 và điều chỉnh hai năm sau đó với công suất 100MW, tổng vốn đầu tư khoảng 4.740 tỷ đồng.
Dự án bị lỡ hẹn với giá FIT vì hàng loạt khó khăn, trong đó có vấn đề về chồng lấn khoáng sản titan.
Tới cuối năm vừa qua, ở dạng chuyển tiếp, dự án vẫn đang dừng ở bước gửi hồ sơ đàm phán giá cho Công ty Mua bán điện.
Đáng chú ý, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cả ba dự án tại Bình Thuận của Vietracimex đều chung tình trạng “đè” trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, cũng như vi phạm Luật Đất đai do khởi công trước khi đủ điều kiện pháp lý.
Méo mó quy hoạch đất triển khai điện tái tạo
Cùng tâm thế “ngồi trên đống lửa” của các chủ đầu tư vi phạm tương tự, Vietracimex vừa nhận tin không vui khi dự án Hòa Thắng 1.2 chính thức bị khai tử.
Cụ thể, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành nghị quyết hủy bỏ 21 dự án với tổng diện tích khoảng 138ha thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất sau ba năm chưa thực hiện.
Trong số này, có dự án điện gió Hòa Thắng 1.2 của Công ty Năng lượng Hòa Thắng (công ty con của Vietracimex) phải hủy bỏ do có trong kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 12/2023.
Số phận hai dự án điện mặt trời Hồng Phong 1A và 1B vẫn phải chờ hồi kết do cơ quan thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ điều tra việc xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia và quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến quặng titan.
Trao đổi với TheLEADER mới đây, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời tỉnh Bình Thuận cho biết, các dự án bị chỉ ra sai phạm liên quan đang chờ kết quả xử lý của cơ quan điều tra.
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định, việc xây dựng 13 dự án điện mặt trời và điện gió trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia và quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến quặng titan trên địa bàn Bình Thuận là vi phạm Quyết định 645 của Thủ tướng, Luật Đất đai và Thông tư 02/2019 của Bộ Công thương. Vietracimex nắm giữ ba dự án trong danh sách này.
Tại Sóc Trăng, dự án điện gió số 4 giá trị 14.500 tỷ đồng hiện cũng chưa rõ số phận, dù Vietracimex đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ bảy năm trước.
Tương tự tại Cà Mau, sau khi khởi công từ ba năm trước, cụm dự án điện gió 1A,1B,1C,1D trị giá 10.000 tỷ đồng của Vietracimex hiện cũng đang chờ ngày về. Lý do, hai trong số này đang thi công, hẹn đích vận hành muộn nhất năm 2025, hai nhà máy còn lại vẫn ở khâu thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự kiến về đích giai đoạn 2026-2030 được xác định trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.
Vietracimex cũng từng tham vọng cùng Công ty dịch vụ điện lực Tokyo - Tepsco đầu tư cụm nhiệt điện than 2.400 – 3.000MW giai đoạn tại Quảng Trị, hay dự án điện gió ngoài khơi Đông Hải tại Bạc Liêu 1.500MW. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin công khai về các siêu dự án này.
Nguyễn Cảnh