Thị trường xút thế giới hiện đã tạo đáy và được kỳ vọng sẽ đảo chiều đi lên trong năm nay khi nhu cầu tăng trở lại. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Hoá chất Cơ bản miền Nam (mã cổ phiếu CSV) trong thời gian tới.
Theo đánh giá mới đây của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nhiều khả năng thị trường xút - clo toàn cầu sẽ đảo chiều đi lên trong năm nay khi các hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi, chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn đi vào giai đoạn cuối và lãi suất dần hạ xuống. Vinachem nhận định thị trường xút - clo chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới khi nhu cầu dần phục hồi và vượt công suất đáp ứng hiện tại.
Đồng quan điểm như trên, một số tổ chức tài chính nhận định giá xút trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc - nước sản xuất xút lớn nhất thế giới, đã chạm đáy. Trong quý 3/2023, giá xút tại Trung Quốc đã tăng hơn 30% khi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều xút như dệt may, hoá chất, luyện kim tại nước này đang có sản lượng phục hồi qua các tháng.
Những động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá xút tại Việt Nam tăng trở lại trong thời gian tới do lượng xút nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) chiếm đến 40% - 50% tổng nhu cầu sử dụng nội địa hàng năm của nước ta.
Với vị thế là nhà sản xuất xút - clo hàng đầu tại Việt Nam và nhà sản xuất thương mại lớn nhất tại miền Nam, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Hoá chất Cơ bản miền Nam (mã cổ phiếu CSV - sàn HoSE) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng trên.
Mảng xút - clo đóng góp hơn 50% tổng doanh thu hàng năm của Hoá chất Cơ bản miền Nam. Các sản phẩm xút của doanh nghiệp này có cơ cấu đa dạng như xút 25%, 32%, 40%, 50%, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều phân khúc khách hàng trên thị trường.
Đáng chú ý, Hoá chất Cơ bản miền Nam là doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất xút và các dẫn xuất hiện đại nhất hiện nay, chiếm 20% tổng công suất xút - clo cả nước. So với các đối thủ khác thì doanh nghiệp này đang có lợi thế về định mức tiêu hao 2 nguyên nhiên liệu đầu vào chính - muối công nghiệp và điện (chiếm 70-80% giá thành sản phẩm).
Các khách hàng chính của Hoá chất Cơ bản miền Nam là các doanh nghiệp lớn mảng tiêu dùng như Unilever, P&G, NET, LIX, Ajinomoto, SABECO, Pinaco... nên hoạt động tiêu thụ xút của doanh nghiệp còn hưởng lợi từ việc nhu cầu tiêu dùng dần hồi phục, giúp gia tăng việc tiêu thụ các nguyên liệu đầu vào.
Trong đó, Hoá chất Cơ bản miền Nam đã chi 18 triệu USD để trả trước 50 năm tiền thuê đất và tiền thuê cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (tỉnh Đồng Nai). Quá trình di dời có thể bắt đầu ngay trong năm nay nếu như các vướng mắc pháp lý cuối cùng được chính quyền tỉnh Đồng Nai giải quyết.
Tỉnh Đồng Nai sẽ bồi thường cho việc di dời các nhà máy của Hoá chất Cơ bản miền Nam, uy nhiên, số tiền này vẫn chưa được xác định. Do đó, Vinachem cho phép Hoá chất Cơ bản miền Nam giữ lại nhiều lợi nhuận hơn. Tỷ lệ chi trả cổ tức trên lợi nhuận của Hoá chất Cơ bản miền Nam đã giảm từ 70% trong giai đoạn 2014 - 2019 xuống còn 33% trong giai đoạn 2019 - 2022.
Hoá chất Cơ bản miền Nam hiện có kế hoạch dành lợi nhuận cho việc di dời nhà máy, thay thế thiết bị và mở rộng công suất sản xuất, đặc biệt là sản xuất NaOH 100%, thêm 50% so với công suất hiện tại nhằm tạo động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới.
Duy Quang