Ngân hàng trước sức ép tăng trưởng tín dụng

Tỷ lệ tín dụng trên GDP cao

Khối nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS Research) mới đây ghi nhận tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay ở mức 6,1%, hoàn thành khoảng 40% kế hoạch Chính phủ đề ra.

Động lực tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đến từ GDP tăng khá, du lịch quay trở lại mức trước đại dịch Covid-19, sản xuất tăng trưởng mạnh với chỉ số PMI ở mức 54,7 cuối quý II.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2024 có thể đạt được khi chuẩn bị vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh và kỳ vọng thêm vào việc Fed hạ lãi suất.

Mặc dù vậy, các chuyên gia VPBankS cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 – 15%/năm là thách thức lớn do tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao.

Việt Nam đang tiệm cận tới mức của các đất nước phát triển như Úc, Trung Quốc, Thái Lan và còn đang cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế tương đồng như Indonesia hay Philippines.

Ngân hàng trước sức ép tăng trưởng tín dụng
Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao. Nguồn: VPBankS

Thêm nữa, khi tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để đánh giá ngân hàng và làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng.

“Khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn”, nhóm phân tích đánh giá.

Những dữ liệu gần đây cũng cho thấy lợi nhuận và nợ xấu của các ngân hàng cùng lúc đạt đỉnh.

Thống kê từ FiinGroup cho thấy, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết đạt gần 61 nghìn tỷ đồng trong quý II, vượt qua mức đỉnh lịch sử của quý trước.

Trong khi đó, nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6/2024 cũng lên tới 2,21%, đã tiệm cận trở lại vùng đỉnh lịch sử 2,24%.

Tỷ lệ nợ xấu tăng, song trích lập dự phòng lại giảm và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, phần nào cho thấy các ngân hàng chưa quá quan ngại với rủi ro chất lượng tài sản.

Thay vì phòng thủ bằng cách tăng trích lập dự phòng, các ngân hàng đang nghiêng về hướng tấn công, tập trung tăng trưởng tín dụng và 'đặt cửa' chất lượng tài sản sẽ phục hồi khi nền kinh tế được cải thiện.

Động lực bền vững phải đến từ nhu cầu người dân

Theo VPBankS, động lực tăng trưởng tín dụng bền vững cần phải đến từ nhu cầu người dân, trong đó, tín dụng bất động sản sẽ đóng vai trò quan trọng.

“Nhu cầu “an cư lập nghiệp” vẫn là nhu cầu chủ yếu của người dân, các hộ gia đình”, nhóm phân tích nhìn nhận.

Thực tế, phần lớn tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn được thúc đẩy bởi ngành bất động sản. Dư nợ cuối quý II đạt 3.083 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ lệ 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Cho vay bất động sản cũng là lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng với hoạt động cho vay ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh.

Do nhu cầu vốn cho nhà ở là rất lớn nên còn rất nhiều dư địa cho vay nhưng lại tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng.

Mặt khác, do giá nhà vẫn neo ở mức cao so với thu nhập và ngành ngân hàng cần nguồn lực xử lý nợ xấu tồn đọng nên tình hình giải ngân cho vay mua nhà chưa quá tích cực.

Chỉ số giá nhà trên thu nhập của người dân Việt Nam trong đà tăng và đang ở mức khá cao so với các nước phát triển, và thậm chí so với nước đang phát triển như Indonesia.

Theo Fidelity, đối với hầu hết khách hàng cá nhân và hộ gia đình, tỷ lệ này thường nên ở mức ba đến năm lần. Trong khi đó, tại Việt Nam tỷ lệ này đang gấp khoảng 4-5 lần so với tỷ lệ khuyến nghị, có thể khiến người dân quan ngại về việc mua nhà trong giai đoạn tới.

Ngân hàng trước sức ép tăng trưởng tín dụng 2
Giá nhà tại Việt Nam đang ở mức cao so với thu nhập người dân. Nguồn: VPBankS

Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tín dụng tiêu dùng bền vững hơn, điển hình từ các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng rất thấp, đến đầu tháng 7 mới đạt 1%. Trong đó, số tiền giải ngân cho chủ đầu tư là khoảng 1.202 tỷ đồng tại 12 dự án, còn người mua nhà chỉ vay 32 tỷ đồng tại năm dự án.

Tỷ lệ giải ngân khách hàng cá nhân thấp là do điều kiện mua nhà còn khắt khe, chưa có nhiều hộ đủ điều kiện và vẫn còn cơ chế lãi suất thả nổi.

Ngoài tín dụng bất động sản, VPBankS chỉ ra một số yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn tới, như xuất nhập khẩu, khu vực FDI hay tín dụng bất động sản khu công nghiệp.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.