Lũy kế cả năm 2023, Chứng khoán APEC mang về 434 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 3% so với năm trước. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ sau thuế đến 172 tỷ đồng...
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC, mã chứng khoán: APS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023, ghi nhận kết quả kinh doanh chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, trong kỳ kinh doanh vừa qua, doanh thu hoạt động của APEC chưa đến 28 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hầu hết các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận tăng trưởng âm. Đặc biệt, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 72% về chưa đến 20 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và hoạt động môi giới lần lượt giảm 39% và 10% về còn 3,5 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Ngược lại, chỉ có mảng tư vấn tài chính tăng trưởng so với quý 4/2022.
Trong quý 4/2023, chi phí hoạt động giảm 91% so với cùng kỳ, ở mức 24 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản chi phí quản lý 8,6 tỷ đồng khiến công ty tiếp tục báo lỗ 3,6 tỷ đồng quý cuối năm. Theo thuyết minh, 86% (tương ứng với 7,4 tỷ đồng) chi phí quản lý đến từ chi phí nhân viên.
Lũy kế cả năm 2023, Chứng khoán APEC mang về 434 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 3% so với năm trước. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ sau thuế đến 172 tỷ đồng, chủ yếu từ lỗ các tài sản tài chính FVTPL; song vẫn cải thiện hơn so với mức lỗ gần 450 tỷ đồng năm 2022.
Phía công ty cho biết kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2023 biến động đáng kể do công ty cơ cấu danh mục tự doanh dẫn đến khoản mục đầu tư có sự biến động.
Tại mảng tự doanh, khoản FVTPL cuối năm trị giá gần 437 tỷ đồng, thấp hơn 33% so với giá gốc nhưng cao hơn 16% so với thời điểm cuối quý 3/2023.
APEC vẫn đang nắm giữ các mã quen thuộc như từ đầu năm, trong đó nhiều cổ phiếu thuộc “họ APEC” như API, IDJ, CSC, Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group.
Tính đến hết tháng 12/2023, tổng tài sản của Chứng khoán APEC đạt gần 811 tỷ đồng, sụt giảm gần 17% so với đầu năm. Dư nợ cho vay margin hơn 138 tỷ đồng, giảm 16%.
Danh mục tài sản FVTPL ghi nhận 437 tỷ đồng, giảm 23%. Trong đó, danh mục cổ phiếu niêm yết tạm lỗ gần 200 tỷ đồng, chủ yếu ở khoản đầu tư vào cổ phiếu API (tạm lỗ 126 tỷ đồng) và cổ phiếu IDJ (tạm lỗ 66 tỷ đồng). Tuy nhiên, cũng có một số cổ phiếu đầu tư có lãi, tiêu biểu như HAH hay DTD.
Bên cạnh đó, đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết cũng lỗ so với giá mua, gần như toàn danh mục. Trong đó, lỗ tạm tính lớn nhất là khoản đầu tư cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC (9,4 tỷ đồng) và cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thép Đình Vũ (5,6 tỷ đồng).
Chứng khoán APEC là một trong ba doanh nghiệp có cổ phiếu bị thao túng (bao gồm APS, API và IDJ) trong vụ việc khởi tố ông Nguyễn Đỗ Lăng và một số cá nhân khác vào tháng 6/2023. Phía doanh nghiệp đều khẳng định không liên quan và không ảnh hưởng, tuy nhiên kết quả kinh doanh của cả ba đơn vị đều kém sắc, thậm chí liên tục lỗ như trường hợp Chứng khoán APEC.
Thời gian qua, nhân sự của công ty tiếp tục sụt giảm. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, số nhân sự của Chứng khoán APEC chỉ còn 38 người, tức giảm thêm 5 người so với cuối quý 3/2023 và giảm 25 người so với hồi đầu năm (63 nhân sự).
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/1, cổ phiếu APS hiện đang dừng ở mức 6.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán hiện đạt khoảng 530 tỷ đồng.