Thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ, tạo ra vô vàn cơ hội cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tận dụng hiệu quả kênh bán hàng này, đặc biệt là doanh nghiệp truyền thống…
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, thương mại điện tử vẫn là kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ lượng lớn sản phẩm hàng hóa. Các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nội địa cần sớm tiếp cận và phát huy tiềm năng của phương thức bán hàng hiện đại để thành công trên sàn thương mại điện tử.
ĐẰNG SAU SỰ HẤP DẪN CỦA CÁC PHIÊN LIVESTREAM TIỀN TỶ
Đối diện những thách thức trong “cuộc cách mạng” khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số cũng là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp truyền thống chuyển mình, thích nghi và phát triển. Tại Tọa đàm "Kết nối công nghệ và định hướng tương lai cho ngành gốm sứ, thủy tinh trong kỷ nguyên mới" do Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD phối hợp với Viện Nghiên cứu Sành sứ thủy tinh công nghiệp – RICEGLASS tổ chức, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc quan hệ chính phủ TikTok Shop đã gợi ý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực gốm sứ, thủy tinh nói riêng và các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nói chung từng bước thực hiện giải pháp chuyển đổi số.
Theo đại diện nền tảng TikTok, trong hành trình chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, về mặt lý thuyết, bước đầu tiên được xác định là ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường trải nghiệm khách hàng trước khi thương mại hóa hoạt động. Có thể hiểu là doanh nghiệp cần có giải pháp tư vấn tốt hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, để khách hàng có điều kiện tốt nhất để tìm hiểu thông tin về sản phẩm.
Trên thực tế, đây cũng là giải pháp chuyển đổi số với chi phí thấp nhất nhưng đem lại hiệu quả tốt nhất. Các nghệ nhân có thể “xây kênh” mang những bản sắc cá nhân và thông qua nền tảng thương mại như TikTok Shop tiếp cận mọi đối tượng khách hàng. Ông Toàn cũng dẫn ra một dẫn chứng cụ thể rằng, người nghệ nhân có thể thực hiện các thao tác sáng tạo nghệ thuật trên sản phẩm gốm sứ trực tiếp trên phiên livestream tại nền tảng thương mại.
Nói rõ hơn về những phiên livestream tiền tỷ trên nền tảng số, ông Toàn bật mí một số yếu tố làm nên thành công của những nhà bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử:
Đầu tiên, người bán hàng qua livestream cần sử dụng các kỹ thuật về mặt tâm lý. Khi livestream, người bán có thể có những tác động khiến những người xem cảm thấy mình trở thành tâm điểm của cộng đồng, tác động đó có thể là một lời chào, nhắc tên khách hàng…
Thứ hai, vấn đề liên quan đến kỹ thuật quảng cáo. Nếu như trước kia, người tiêu dùng thường sợ những lời quảng cáo không phản ánh sự thật chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Chính việc đội ngũ maketing làm quá tốt nhiệm vụ quảng cáo sản phẩm đôi khi mang lại cảm giác không chính xác khi người tiêu dùng tự mình trải nghiệm.
Nhưng hiện tại, những người bán hàng trên các phiên live sẽ có xu hướng đứng về phía người tiêu dùng. Một cách dễ hiểu, những KOL, KOC (người có tầm ảnh hưởng, người dẫn dắt dư luận tiêu dùng) sẽ trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, sau đó nói lên những trải nghiệm đó một cách chân thực để người tiêu dùng có cảm giác tin tưởng. Đây cũng là lý do khiến các phiên live của những người bán hàng càng thể hiện tính trải nghiệm cao càng thu hút khách hàng nhiều hơn. Và sự trải nghiệm đó sẽ có sức lan tỏa rộng hơn ra ngoài phiên live khi tạo nên xu hướng.
Thứ ba, người bán hàng cần nhắm vào nhu cầu kết nối của khách hàng, kết nối những người có chung sở thích không phân biệt đẳng cấp hay các vấn đề tâm lý. Khi khai phá sở thích tiềm ẩn của một bộ phận khách hàng, người bán đưa đến những nội dung phù hợp sẽ càng khiến người xem cảm thấy cuốn hút và sẽ chấp nhận bỏ tiền ra mua sản phẩm để tự mình trải nghiệm.
PHÁT TRIỂN HÀNG TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA GẮN LIỀN VỚI GIÁ TRỊ VĂN HÓA
Nói thêm về chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp khi kết hợp với các nền tảng thương mại điện tử, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng giám đốc TikTok Việt Nam khẳng định chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng suất lao động. Tuy nhiên, khi thương mại điện tử phát triển bùng nổ sẽ khiến hàng hóa sản xuất trong nước đối diện với không ít khó khăn. Đứng trước bối cảnh đó buộc các doanh nghiệp phải thay đổi.
Cũng theo chia sẻ của ông Thanh, thực tế đã có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề tìm đến TikTok để khai phá tiềm năng, tiếp cận những giải pháp kỹ năng truyền thông số. Bên cạnh đó, chính TikTok cũng đã xây dựng các chương trình hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gồm đào tạo kỹ năng, hỗ trợ tiếp cận các bộ công cụ hiện đại nhất. Đồng thời kêu gọi các nhà sáng tạo nội dung, những KOL, KOC tham gia hỗ trợ doanh nghiệp hàng tiêu dùng Việt Nam.
Cách thức triển vọng nhất để đưa hàng hóa nội địa đến gần hơn với người tiêu dùng là sản phẩm đó phải mang những giá trị văn hóa, những giá trị đặc thù của từng địa phương, chính những người bán hàng sẽ là “đại sứ” mang sứ mệnh truyền tải những giá trị đó đến người tiêu dùng.
Năm 2024 thương mại điện tử vẫn tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất thế giới.
Trong nước, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.