Thấy gì từ bức tranh doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động đã vượt nhẹ so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thể hiện đà phục hồi có phần khả quan của nền kinh tế.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập và quay trở lại thị trường đạt 98,8 nghìn, trong khi có 97,3 nghìn doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập đã vượt so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thể hiện một bức tranh có phần tươi sáng hơn.

Trong quý I/2024, số lượng doanh nghiệp giải thể, rút lui khỏi thị trường đạt gần 74 nghìn, trong khi số lượng thành lập mới, quay trở lại kinh doanh đạt chưa đầy 60 nghìn.

Tính bốn tháng đầu năm, tình hình đôi chút được cải thiện, với 81,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại thị trường hoặc thành lập mới, tuy nhiên vẫn thấp hơn con số 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui.

Phải đến khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu năm tháng đầu năm, hiện tượng doanh nghiệp rút lui cao hơn doanh nghiệp gia nhập thị trường mới chấm dứt.

Thấy gì từ bức tranh doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2024

Đây là nền tảng quan trọng tạo đà cho triển vọng tăng trưởng giai đoạn nửa cuối năm, trong bối cảnh những khó khăn vẫn chưa xác định được hồi kết. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp thành lập và quay trở lại thị trường mới đạt 98,8 nghìn, trong khi có 97,3 nghìn doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, tạm ngừng hoạt động tính đến hết tháng 5.

GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá, đây là một tín hiệu lạc quan, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đang ấm dần lên, trong bối cảnh Chính phủ, Quốc hội ráo riết tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp.

Lạc quan một cách thận trọng

Bối cảnh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn có thể kỳ vọng vào xuất khẩu, bởi lẽ chỉ số hàng tồn kho tại các thị trường lớn trên thế giới đều đã chạm đáy vào đầu năm 2024, đưa nền kinh tế vào chu kỳ mua sắm và tích trữ mới.

Điều này thể hiện qua đơn hàng của doanh nghiệp có xu hướng quay trở lại. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, những tháng đầu năm, đơn hàng nhóm thủy hải sản, thực phẩm tăng đến hơn 30% so với cùng kỳ 2023.

Nhóm hàng xuất khẩu mạnh như công nghệ, cơ khí, dệt may cũng chứng kiến sự cải thiện của đơn hàng. Đáng chú ý, theo ông Cường, giá đơn hàng năm 2024 có giá cao hơn, là điểm khác biệt so với năm 2023 khi doanh nghiệp phải chấp nhận ký đơn hàng giá thấp để cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhờ vậy, xuất khẩu tăng mạnh tới 16,6% so với cùng kỳ trong năm tháng, trong đó xuất khẩu linh kiện điện tử tăng trưởng lên đến 34%. Xuất siêu đạt hơn 8 tỷ USD.

Bên cạnh xuất khẩu, cầu tiêu dùng trong nước cũng đang chứng kiến đà phục hồi, tính riêng tháng 5/2024 đạt mức tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ. Cầu trong và ngoài nước đều đang tốt, cộng với tình hình vĩ mô vẫn được giữ ổn định, lạm phát không tăng vượt trần chính là tiền đề giúp doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

Thực tế, dù số lượng doanh nghiệp giải thể vẫn ở mức rất cao, chỉ thấp hơn chút ít so với số doanh nghiệp gia nhập thị trường nhưng có đến hơn 66 nghìn, tương đương với khoảng 68% doanh nghiệp rút lui theo hình thức tạm ngừng sản xuất, kinh doanh.

Tức là lực lượng doanh nghiệp này chưa hẳn đã “chết”, chỉ đang bước vào giai đoạn “ngủ đông” để tránh những tác động tiêu cực, chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn. Nếu nền kinh tế duy trì các chỉ số tốt như trong tháng 5, hơn 66 nghìn doanh nghiệp này có thể sẽ sớm trở lại hoạt động để đón mùa tiêu dùng cuối năm.

Thực tế, mặc dù số lượng doanh nghiệp mới mỗi tháng trong 4 tháng gần đây đều chưa bằng con số của tháng 1 song có xu hướng tăng dần và đều cao hơn số lượng doanh nghiệp rút lui cùng tháng. Đây được cho là một tín hiệu lạc quan.

Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận có nhiều doanh nghiệp thực sự đã “sức cùng lực kiệt”, bắt buộc phải rời bỏ thị trường do đã quá sức sau bốn năm hơn chống chịu với những biến động, thách thức chưa có hồi kết.

Điều này xảy ra như một quy luật tất yếu, bởi lẽ những khó khăn trong giai đoạn bốn năm trở lại đây là quá mức bất thường và dai dẳng. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, ít tích lũy, ít kinh nghiệm đối diện với khủng hoảng.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải để hoàn toàn lạc quan vào triển vọng của nền kinh tế thông qua bức tranh doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, doanh nghiệp Việt còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đến từ bối cảnh trong nước và quốc tế.

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đặc biệt và về thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Có thể nói, doanh nghiệp duy trì hoạt động, thành lập mới và quay lại hoạt động trong bối cảnh hiện tại đang thể hiện bản lĩnh doanh nhân cũng như niềm tin mạnh mẽ vào nền kinh tế. Niềm tin và bản lĩnh đó sẽ được chuyển hóa thành động lực tăng trưởng nếu được nuôi dưỡng bởi các chính sách hỗ trợ, định hướng kịp thời từ phía cơ quan quản lý.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.