Vì sao các ngân hàng đẩy mạnh áp dụng ESG

Áp dụng ESG là chìa khóa giúp ngân hàng, tổ chức tín dụng giải bài toán tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn và thách thức khó lường.

Cuối năm 2023, Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo ESG. Đây là thành quả trong suốt khoảng một thập kỷ theo đuổi những giải pháp bền vững của ACB, từ việc hạn chế lượng chất thải trong vận hành cho đến bảo vệ quyền lợi của nhân viên, khách hàng và cộng đồng.

Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) chính thức công bố cáo cáo phát triển bền vững 2024 và trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam có một báo cáo ESG được công bố độc lập với báo cáo thường niên.

Báo cáo ESG của HDBank thể hiện những nỗ lực của ngân hàng này trong việc khuyến khích tài chính xanh, điều hướng nguồn vốn tạo tác động tích cực cho cộng đồng, xã hội cũng như nâng cao tiêu chuẩn quản trị.

Tiếp đó, một số tổ chức tín dụng như Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Quân đội (MB), hay Home Credit cũng đã phát hành báo cáo ESG. Một số ngân hàng, tổ chức tín dụng khác dù chưa xây dựng hoặc công bố báo cáo nhưng đã tích hợp khung đánh giá ESG vào hoạt động vận hành.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 80 – 90% ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ các tiêu chí ESG vào trong hoạt động, trong đó có 50% ngân hàng thành lập bộ phận quản trị rủi ro đối với việc cho vay vốn lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, không ít những ngân hàng, tổ chức tín dụng ban hành khung tín dụng xanh, khung khoản vay bền vững để quản lý nguồn vốn vay cấp cho dự án hướng đến giá trị tích cực cho cộng đồng. Tính đến hiện tại, dư nợ tín dụng xanh đạt trên 620 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 và chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Vì sao ESG hấp dẫn ngân hàng

Ngân hàng đóng vai trò cung ứng phần lớn lượng vốn cho nền kinh tế Việt Nam, do đó việc các ngân hàng thương mại theo đuổi ESG tạo ra tác động tích cực, thúc đẩy nền kinh tế chuyển dịch sang những lĩnh vực mang tính bền vững và có trách nhiệm.

Còn đối với bản thân ngân hàng, theo TS. Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, áp dụng ESG giúp các ngân hàng thương mại tiết kiệm một phần chi phí vận hành, nâng cao năng suất lao động thông qua những giải pháp quản trị hiệu quả, minh bạch.

ESG còn đóng vai trò quản trị rủi ro. Bởi lẽ, khi phát triển bền vững được xác định là xu thế tất yếu, các ngành kinh tế tiềm ẩn nguy cơ gây tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội có thể sẽ chịu những ràng buộc pháp lý nghiêm ngặt. Cho vay những dự án này, khả năng thu hồi vốn của ngân hàng bị tác động đáng kể.

Chính vì vậy, việc áp dụng ESG có thể giúp ngân hàng nhận diện, phòng ngừa rủi ro liên quan đến phát triển bền vững, từ đó tránh những tác động tiêu cực có thể phát sinh.

Mặt khác, áp dụng ESG giúp ngân hàng mở rộng tệp khách hàng sang những doanh nghiệp, dự án mới tích hợp yếu tố phát triển bền vững vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng những giải pháp ESG cho nền kinh tế.

Đây là nhóm khách hàng hết sức tiềm năng bởi đang đi đúng xu thế, chạm đúng vấn đề của xã hội để giải quyết, bên cạnh việc nhận được nhiều ưu đãi từ phía Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Tiếp cận nhóm khách hàng này giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nền kinh té gặp nhiều khó khăn và đối mặt với những thách thức khó lường.

Bên cạnh đó, ESG cũng là tiêu chí bắt buộc đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi mong muốn hút vốn ngoại để thực hiện các mục tiêu kinh doanh.

Triển khai ESG giúp ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, từ đó có thể tiếp cận được thêm những sáng kiến, giải pháp mới nhằm củng cố hoạt động ESG của ngân hàng. Các yếu tố đó tác động qua lại lẫn nhau tạo ra một “vòng xoáy đi lên” giúp ngân hàng giải quyết bài toán tăng trưởng trong bối cảnh nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Một giá trị không thể thiếu mà ESG đem lại là giá trị thương hiệu và uy tín của ngân hàng được nâng cao, đi kèm với đó là những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Vì sao đầu tư vào ESG chưa hiệu quả?
“Ôm” cổ phiếu DXS, thủy sản Vĩnh Hoàn lỗ hơn 27 tỷ đồng

“Ôm” cổ phiếu DXS, thủy sản Vĩnh Hoàn lỗ hơn 27 tỷ đồng

Vĩnh Hoàn vẫn kiên trì nắm giữ khoản đầu tư ba cổ phiếu DXS, NLG và KBC với giá gốc khoảng 160 tỷ đồng. Cả ba cổ phiếu đều chưa ghi nhận tín hiệu khởi sắc trên thị trường trong quý 2. Riêng khoản đầu tư DXS có giá gốc hơn 60 tỷ đồng và đang ước tính lỗ nặng nhất 27 tỷ đồng...
Nhà đầu tư xem xét yếu tố ESG như thế nào?

Nhà đầu tư xem xét yếu tố ESG như thế nào?

Mỗi nhà đầu tư sẽ quan tâm và xem xét tiêu chuẩn ESG theo một cách khác nhau khi đưa ra quyết định, tuy nhiên vẫn có những mẫu số chung, là những điều cốt lõi doanh nghiệp cần quan tâm khi xây dựng chiến lược phát triển bền vững nhằm mục đích gọi vốn.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.