Vui buồn mùa đại hội cổ đông

Cứ đến “mùa” đại hội cổ đông, mỗi cổ đông đều có câu hỏi chung: doanh nghiệp mà mình đang nắm giữ cổ phiếu sẽ chia cổ tức bằng hình thức nào, tỷ lệ ra sao? Năm nay, câu chuyện chi trả cổ tức có phần thêm nóng trước khó khăn chung của nền kinh tế.

Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đã đi đến chặng đường cuối cùng. Theo quy định, ĐHĐCĐ thường niên phải tổ chức trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy, nếu không vì một lý do bất khả kháng phải hoãn, thì tính đến thời điểm hiện tại hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã tổ chức xong ĐHĐCĐ với nhiều câu chuyện “khóc, cười” về chính sách chi trả cổ tức.

Nơi hân hoan, vui vẻ

Nếu như các năm trước, các ngân hàng phải thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ được chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, thì năm nay, nhiều nhà băng đã khiến cổ đông của mình “ấm lòng” khi kết hợp cả chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu, hoặc cổ phiếu thưởng nhằm tăng vốn điều lệ.

Đầu tiên phải kể đến Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB), tại ĐHĐCĐ vừa qua, ngân hàng đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%.

Ngoài ra, Techcombank cũng dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ từ mức 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trong năm 2024, hoặc đến khi Techcombank hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ vừa mới tổ chức ngày 26/4, HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank, mã chứng khoán: VAB) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến 31/12/2023. Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn điều lệ của VietABank dự kiến sẽ tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng.

Trước đó, ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. HĐQT ngân hàng cho biết, tỷ lệ cổ tức này có thể sẽ được ACB áp dụng cho năm 2024, với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

Tương tự, TPBank, SHB, HDBank… cũng thực hiện chi trả cổ tức năm 2023 bằng cả tiền mặt và cổ phiếu với tỷ lệ trung bình hơn 20%.

Không chỉ các ngân hàng, Công ty CP May xuất khẩu Phan Thiết (mã chứng khoán: PTG) cũng khiến cổ đông “mát mặt” khi vừa chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền với tỷ lệ 50%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.000 đồng. Thời gian thanh toán dự kiến ngày 13/6/2024.

Hay như cổ đông của Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group, mã chứng khoán: PAN) đã không còn phải nhận gạo và nước mắm như những năm trước. Tại kỳ ĐHĐCĐ năm 2024, trong kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, công ty đã dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Sang năm 2024, mức cổ tức bằng tiền dự kiến là 5% (nếu đạt chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra).

Nơi bức xúc, ngậm ngùi

Tại mùa ĐHĐCĐ năm 2024, bên cạnh những niềm vui, thì vẫn có nhiều nơi để cổ đông chịu cảnh “ngậm ngùi” khi liên tục đưa ra phương án chậm, hoãn chi trả cổ tức.

Ngày 26/4 vừa qua, Công ty CP Fecon (mã chứng khoán: FCN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 với sự tham dự của hơn 17.000 cổ đông, đại diện cho hơn 157 triệu cổ phần. Bên cạnh việc công bố kết quả kinh doanh vỡ kế hoạch trong năm 2023, do tình hình kinh doanh khó khăn nên Fecon đề xuất không chia cổ tức năm 2023.

Trước đó, cổ đông Fecon cũng bày tỏ sự bức xúc khi cổ tức của năm 2022 cũng bị chậm trả với lý do hoạt động kinh doanh và cân đối thu chi khó khăn. Cụ thể, năm 2022, Fecon dự kiến chi gần 79 tỷ đồng để trả cổ tức tỷ lệ 5% cho cổ đông. Công ty cho biết, sẽ không thực hiện trả một lần duy nhất mà chia thành 2 đợt là vào ngày 29/3/2024 thanh toán 1% và dự kiến đến tháng 12/2024 sẽ thanh toán 4% còn lại.

Chung cảnh ngộ, Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam (mã chứng khoán: CSV) cũng vừa thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt đến “thời điểm thích hợp”.

Không chỉ trễ hẹn, cổ đông của một số doanh nghiệp thậm chí còn phải chịu cảnh “tức cổ” khi doanh nghiệp bất ngờ thông báo hoãn, hủy phương án chi trả cổ tức.

Có thể kể đến trường hợp cổ đông của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc City, mã chứng khoán: KBC). Theo tài liệu công bố, Kinh Bắc City dự kiến trình cổ đông hủy phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt đã được thông qua ngày 23/6/2023 và ngày 28/12/2022; và hủy phương án mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ được thông qua ngày 28/12/2022.

Trình cổ đông thông qua rồi hủy phương án là điều không phải chưa có tiền lệ. Dù hoạt động xuất khẩu gạo gặt hái được nhiều thành công trong năm qua, nhưng Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood, mã chứng khoán: BLT) - công ty con của Vinafood2, đã ngừng chi trả phần cổ tức bằng tiền còn lại của năm 2022, sau khi mới tạm ứng 30% (tổng tỷ lệ là 170,5%).

Kinh doanh khó khăn, không chia, lùi thời gian chi trả cổ tức cho cổ đông là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ, lợi nhuận tích lũy lớn nhưng vẫn không chia cổ tức, thậm chí “lì lợm” trong nhiều năm.

Điển hình nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB). Dù ghi nhận mức lợi nhuận lũy kế lên tới 18.287 tỷ đồng, nhưng ngân hàng tiếp tục nối dài thời gian không chia cổ tức lên con số 9 năm tại ĐHĐCĐ năm 2024. Lần cuối cùng Sacombank chia cổ tức là năm 2015 với tỷ lệ 20% nhưng bằng cổ phiếu.

Nhìn chung, đối với các nhà đầu tư, khi bắt đầu mua vào cổ phiếu của một doanh nghiệp nào đó, cổ tức là một trong hai nguồn lợi tức thu được, bên cạnh phần chênh lệch từ giao dịch mua bán cổ phiếu.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc không thanh toán được cổ tức theo kế hoạch là sự yếu kém trong quản trị doanh nghiệp của ban lãnh đạo. Cổ đông có thể khởi kiện để yêu cầu công ty trả cổ tức vì đây là một khoản nợ với nhà đầu tư, nhưng trên thực tế chưa có nhà đầu tư nào thực hiện vì mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Hơn nữa, ở nhiều công ty, số lượng cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài cũng chỉ chiếm tỷ lệ cổ phiếu thấp so với tỷ lệ sở hữu của ban lãnh đạo nên hầu như các ý kiến không có trọng lượng.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp lợi dung tâm lý này liên tục “chây ì” trách nhiệm với nhà đầu tư của mình. Do đó, hầu hết các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên, nếu lựa chọn một cổ phiếu để mua vào với tiêu chí nhận cổ tức, các nhà đầu tư cần xem xét kỹ lịch sử thanh toán, dòng tiền của doanh nghiệp, để tránh ôm “cục tức” khi liên tục bị khất nợ.

Vì sao doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Vì sao doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Doanh nghiệp kiệt quệ sau bốn năm đầy khó khăn, lại khó thích ứng trước những diễn biến bất thường của nền kinh tế, khi tiêu dùng sụt giảm, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đem lại hiệu quả triệt để.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.