Song song với các đơn vị chi trả cổ tức "khủng, cũng có vô vàn doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán bị cổ đông ca thán vì nhiều năm liền không nhận được đồng cổ tức nào. Ngoài nguyên nhân chính xuất phát từ việc kinh doanh không hiệu quả, còn có nhiều nguyên nhân khác khiến cổ đông không hài lòng.
Áp lực nợ vay, thiếu hụt vốn lưu động, thua lỗ hoặc có lãi nhưng giữ lại không chia cổ tức để dành vốn phát triển kinh doanh... là những câu chuyện của các doanh nghiệp "nợ" cổ tức của cổ đông dưới đây.
"SÔNG ĐÀ" - NHÓM DOANH NGHIỆP CHUYÊN "KHẤT NỢ CỔ TỨC"
Đã gần một thập kỷ trôi qua, nhà đầu tư tại Công ty Cổ phần Sông Đà 3 (mã chứng khóa: SD3) vẫn ôm hy vọng doanh nghiệp sẽ trả cổ tức. Nhưng trái với kỳ vọng nêu trên, phía doanh nghiệp đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.
Trong thông báo gần nhất vào cuối tháng 12/2023, Sông Đà 3 cho biết sẽ tiếp tục dời ngày trả cổ tức năm 2015 với lý do chủ đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn thanh toán, dòng tiền không đáp ứng được nhu cầu thanh toán cổ tức như kế hoạch đề ra.
Đây đã là lần thứ 10, doanh nghiệp này lùi lịch trả cổ tức 2015. Danh sách cổ đông cho đợt chi trả này đã được chốt từ 6/10/2016, tức là cách đây hơn 8 năm. Đồng thời, Sông Đà 3 sẽ lùi lịch trả cổ tức 2015 thêm 1 năm, từ 29/12/2023 sang 31/12/2024.
Theo kế hoạch, đợt cổ tức này của Sông Đà 3 có tỷ lệ thực hiện 5% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Với gần 16 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến sẽ chi khoảng 8 tỷ đồng để hoàn tất đợt trả này.
Sông Đà 3 là công ty con do Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (mã chứng khoán: SJG) chi phối đến 51% vốn. Như vậy, nếu Sông Đà 3 thực hiện chi trả cổ tức, Tổng Công ty Sông Đà có thể được nhận hơn 4 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, một công ty thuộc họ Sông Đà là Công ty Cổ phần Sông Đà 9 thông báo tiếp tục dời ngày trả cổ tức từ ngày 29/12/2023 sang ngày 28/6/2024 với lý do công ty đang có nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh nên chưa thu xếp đủ tiền để thanh toán cổ tức năm 2017 cho các cổ đông.
Được biết, công ty dự kiến trả cổ tức năm 2017 bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương ứng hơn 34 tỷ đồng cho cổ đông. Đáng nói, đây là lần thứ 8 doanh nghiệp này lùi lịch trả cổ tức 2017. Danh sách cổ đông cho đợt chi trả này đã được chốt từ 20/9/2018, tức cách hiện tại khoảng 6 năm.
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã chứng khoán: SJS) cũng là cái tên khiến nhà đầu tư “ngán ngẩm” khi nói về vấn đề chia cổ tức.
Vào tháng 6/2023, Sudico đã thông qua việc lùi thời gian trả cổ tức năm 2016 và 2017 với tổng tỷ lệ là 20% bằng tiền từ ngày 30/6/2023 sang ngày 31/12/2024. Nếu tính cả lần thay đổi này, tổng cộng Sudico đã thay đổi thời gian trả cổ tức năm 2016 lần thứ 9 và cổ tức năm 2017 lần thứ 5 và vẫn chưa chắc sẽ có tiếp tục dời thời gian trả cổ tức.
Kịch bản cũ lặp lại, Sudico vẫn lấy lý do là tình hình tài chính còn khó khăn, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền. Tổng cộng cổ đông Sudico đã chờ đợi gần 7 năm song cổ tức vẫn chưa thể về tay.
KINH DOANH GẶP KHÓ, CỔ ĐÔNG CŨNG PHẢI “KHÓ” THEO
Một doanh nghiệp khác cũng tương đối “chây ỳ” trong việc thanh toán cổ tức cho cổ đông là Công ty Cổ phần Lilama 45.4 (mã chứng khoán: L44). Sau hơn 9 năm chờ đợi, đến nay cổ đông vẫn chưa thể bỏ túi số cổ tức năm 2012 và năm 2023. Theo đó, ngày thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2012, 2013 được dời từ 29/12/2023 về 31/12/2024, tức lùi 1 năm. Đây là đợt thay đổi thời gian thanh toán cổ tức thứ 9 của L44.
Lý do dẫn đến sự điều chỉnh trên do hiện tại, công ty đang tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh để tiến hành phương án tái cấu trúc doanh nghiệp. Công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính; nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn. Do đó, L44 chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.
Các lý do trên chỉ phần nào thể hiện được tình cảnh khó khăn của L44. Thực tế, công ty thậm chí đã phải đăng thanh lý, nhượng bán tài sản, với lý do “không thể cho thuê vì cũ nát” và “không đủ khả năng để trả tiền trông coi”.
Trên Báo cáo tài chính năm 2022, lỗ lũy kế của L44 gần 196 tỷ đồng (năm 2021 là 189 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu âm gần 139 tỷ đồng. Trong khi đó trên thị trường, cổ phiếu L44 vẫn đang duy trì diện hạn chế giao dịch vì đã ngừng hoạt động hơn 1 năm, chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán 2022, và âm vốn chủ trên Báo cáo tài chính kiểm toán 2021.
Trường hợp tương tự là Công ty Cổ phần Licogi Quảng Ngãi (mã chứng khoán: LQN) thông báo điều chỉnh lần 6 thời gian tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2015 bằng tiền đến 30/9/2025, thay vì ngày chi trả là 29/9/2023, tức dời hơn 2 năm so với dự tính.
Công ty đã hơn chục lần ra thông báo thay đổi thời gian thanh toán cổ tức, tổng cộng thời gian trì hoãn đã hơn 8 năm kể từ thời điểm thanh toán công bố lần đầu. Licogi Quảng Ngãi cho biết đã cố gắng làm việc với đối tác để có nguồn tiền, tuy nhiên, do tình hình khó khăn kéo dài, các khoản phải thu dự kiến từ đối tác không đúng như kỳ vọng, cần có thêm nhiều thời gian để cân đối nguồn tiền mặt.
Bên cạnh việc bắt cổ đông đợi cổ tức mòn mỏi, Licogi Quảng Ngãi còn khiến báo chí tốn nhiều bút mực liên quan đến việc công ty nợ lương nhân viên. Đỉnh điểm vào ngày 9/8/2023, 43 người lao động là công nhân của Nhà máy Gạch Phong Niên - trực thuộc Licogi Quảng Ngãi đã tập trung và treo băng rôn trước cổng đơn vị này để yêu cầu trả tiền lương, bảo hiểm xã hội…
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với các cổ đông của Công ty Cổ phần Cầu 12 (mã chứng khoán: C12) khi công ty đã 8 lần hoãn trả cổ tức năm 2016. Lần gần nhất, doanh nghiệp này dời ngày trả cổ tức thêm 1 năm, từ 29/11/2023 sang 29/11/2024. Đợt cổ tức này có tỷ lệ chi trả 12%, tương ứng số tiền hơn 58 tỷ đồng.
Lý do điều chỉnh là từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với khó khăn nội tại của công ty khiến C12 chưa thể thu xếp trả tiền cổ tức cho cổ đông.
Giống như Licogi Quảng Ngãi, tại C12 cũng liên tục diễn ra các cuộc đình công của cán bộ và công nhân do thiếu nợ lương nhân viên và bảo hiểm xã hội tới hàng chục tỷ đồng.
Mặc dù không đến nỗi “chua xót” như những doanh nghiệp trên nhưng cổ đông của Công ty Cổ phần Cơ giới và Xây lắp Số 9 (Licogi 9, mã chứng khoán: LG9) cũng chẳng vui vẻ mấy đợt trả cổ tức bằng tiền cho năm 2018, được chốt quyền vào 28/9/2023. Đợt trả cổ tức này có tỷ lệ 10%, tương đương LG9 cần chi hơn 5 tỷ đồng, dự kiến chi trả vào 17/10/2023.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, công ty gửi văn bản trì hoãn, đẩy ngày dự kiến sang 28/3/2024. Nguyên nhân do tiền thu từ các công trình không đúng kế hoạch thu hồi vốn của công ty, nên cần thêm thời gian cân đối nguồn vốn để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
HOÃN – HỦY CHI TRẢ CỔ TỨC
Không chỉ “trễ hẹn” trả cổ tức, có những doanh nghiệp cá biệt còn thông báo hoãn, thậm chí hủy chi trả cổ tức. Điển hình như Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định (Bidifood, mã chứng khoán: BLT).
Trước đó, Bidifood đã thông qua việc chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (không bao gồm lợi nhuận chưa phân phối của năm 2022) với tỷ lệ 170,5%/vốn điều lệ, tương ứng tổng số tiền cần chi là 68,2 tỷ đồng. Đến giữa tháng 6/2023, Hội đồng quản trị Bidifood đã thông qua tạm ứng 12 tỷ đồng để trả cổ tức tỷ lệ 30%. Do đó tỷ lệ cổ tức còn lại chưa chi trả là 140,5% tiền mặt.
Bidifood cho biết tình hình tài chính của công ty đang rất khó khăn, không có nguồn vốn để chi trả phần cổ tức còn lại. Nguyên nhân do giá vốn hàng hóa tăng đột biến hơn 50% kể từ tháng 7/2023, giá gạo bình quân trên 15.500 đồng/kg, công ty phải duy trì mức dự trữ lưu thông hơn 3.000 tấn gạo, trị giá hơn 46 tỷ đồng làm hạn chế nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn giảm, tăng chi phí lãi vay. Mặt khác, Bidifood cũng cho biết cần phải huy động vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 40 tỷ đồng trong năm 2023 - 2024.
Vì vậy, để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, có nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tái đầu tư, khôi phục sản xuất, sau khi chi tạm ứng cổ tức 30%, Hội đồng quản trị trình cổ đông thông qua việc ngừng chi trả cổ tức còn lại tỷ lệ 140,5% bằng tiền.
Vào thời điểm cuối năm 2023, Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản miền Nam (mã chứng khoán: CSV) đã thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với lý do nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Việc tạm ứng cổ tức năm 2023 sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp.
Trước đó, CSV thông báo trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Ngày đăng ký cuối cùng là 29/12/2023 và thời gian trả dự kiến 9/1/2024. Trước đó tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, Hội đồng quản trị CSV lên kế hoạch cổ tức cho năm 2023 là 15% tiền mặt, bằng mức cổ tức dự kiến năm trước. Tuy nhiên, cổ tức thực hiện năm 2022 lên tới 35% bằng tiền mặt.
Đồng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Bình Dương ACC (mã chứng khoán: ACC) đã thông qua việc hoãn chi trả cổ tức năm 2022. Lý do được doanh nghiệp này đưa ra là trong năm 2023, các công trình thi công đang triển khai chưa được hoàn thành nghiệm thu như dự kiến dẫn đến việc thu hồi công nợ bị chậm trễ.
Do đó, để ưu tiên dòng tiền phục vụ kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh cho giai đoạn quý 4/2023 và giai đoạn quý 1/2024, công ty thông qua việc hoãn chi trả cổ tức năm 2022 như Đại hội đồng cổ đông năm 2023 đã thông qua.
Được biết, cổ đông ACC đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 8% vốn điều lệ, tương ứng tổng số tiền trả cho cổ đông gần 84 tỷ đồng và dự kiến cổ tức năm 2023 tối thiểu 10% vốn điều lệ.
Việc liên tục hoãn chi trả cổ tức, nếu bị nhân rộng, có thể tác động tiêu cực đến thị trường. Nhà đầu tư sẽ dần trở nên mất kiên nhẫn, chuyển sang “lướt sóng” thay vì nắm giữ, đầu tư cổ phiếu dài hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, cổ đông có thể khởi kiện để yêu cầu công ty trả cổ tức, vì đây là một khoản nợ với nhà đầu tư. Nhưng trên thực tế, việc khởi kiện được đánh giá khó khả thi bởi lẽ cho rằng số cổ tức không nhiều, mất thời gian; cũng chưa có vụ án điểm vì hầu hết doanh nghiệp không trả cổ tức đều đang gặp khó khăn về dòng tiền, việc thực hiện nghĩa vụ nhà nước, trả lương cho nhân viên, trả nợ cho chủ nợ… vẫn được ưu tiên hơn so với cổ đông.
Giả sử, cổ đông nhỏ có thắng kiện thì cũng có nhiều khó khăn để bản án được thi hành, chưa kể nếu có đòi được cũng không tương xứng với chi phí và công sức bỏ ra. Kết quả là trên thị trường, nhiều nhà đầu tư quyết định bán chứng khoán trước ngày giao dịch không hưởng quyền và chấp nhận mua lại sau ngày chốt quyền nếu muốn gắn bó thêm với doanh nghiệp. Cách làm này có thể khiến cổ đông tốn thêm phí giao dịch, nhưng đổi lại giảm được phần thuế thu nhập từ cổ tức bị khấu trừ và tránh được phần vốn đầu tư bị chiếm dụng mà đôi khi không chắc khi nào có thể thu hồi.
Từ câu chuyện những doanh nghiệp khất lần cổ tức, có lẽ nhà đầu tư cần biết cách tự bảo vệ mình, trước khi có những chế tài bảo vệ tốt hơn từ cơ quan quản lý. Đó là quan tâm đến những yếu tố dòng tiền, cấu trúc tài chính, nhu cầu đầu tư, thậm chí là theo dõi cả “thiện chí” của Hội đồng quản trị từ những buổi tiếp xúc trực tiếp, thay vì chỉ tập trung vào con số doanh thu, lợi nhuận trên báo cáo tài chính.
Thuý An