Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), cho rằng, chưa đủ cơ sở để chấp thuận đề nghị của HoSE về việc đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành chính thức từ ngày 2/5/2024. Đây là lần thứ 8 hệ thống này bị rời lịch vận hành (7 lần trước gồm năm 2015, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023).
12 năm vẫn “nằm trên giấy”
KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được bắt đầu triển khai từ năm 2012 với tổng trị giá 28,6 triệu USD. Theo dự tính của HoSE, giai đoạn triển khai hệ thống KRX kéo dài trong khoảng 18 tháng và dự kiến đưa hệ thống chính thức hoạt động vào quý I/2015. Tuy nhiên, với nhiều lý do, hệ thống KRX sau nhiều năm vẫn chưa thể triển khai.
Điều này diễn ra trong bối cảnh trước đó mọi thứ dường như đã trở nên “chắc chắn”. Sự tin tưởng này là hoàn toàn có cơ sở khi từ năm 2023 đã liên tục có những lần chạy thử, sửa lỗi và nâng cấp hệ thống ở các công ty chứng khoán (CTCK) thành viên.
Đến năm 2024, kỳ vọng đó càng trở nên rõ ràng hơn, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, sự kiện này có thể là tâm điểm của thị trường, khi ngày 21/4 vừa qua, HoSE gửi văn bản chính thức đến các thành viên về kế hoạch chuyển đổi hệ thống mới KRX và lịch cung cấp dịch vụ trong thời gian chuyển đổi dữ liệu và kiểm thử hệ thống.
Sau khi nhận được thông báo của HoSE, các CTCK đã rục rịch chuẩn bị các khâu chuyển đổi sang hệ thống mới KRX. Một số CTCK đã gửi thông báo tạm ngừng đăng nhập tất cả các nền tảng giao dịch trong kỳ nghỉ lễ đến 8 giờ ngày 2/5 để bảo đảm quá trình nâng cấp cũng như phối hợp đối chiếu dữ liệu chuyển đổi và kiểm thử với các sở GDCK, Trung tâm lưu ký (VSD) được diễn ra suôn sẻ.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Tổng Giám đốc công ty cho biết, các CTCK tham gia hai đợt thử nghiệm diễn tập hệ thống KRX trong tháng 3 vừa qua đều hoàn thành 100% các bài test. Tinh thần chung của các đơn vị tham gia dự án là sẵn sàng vận hành hệ thống giao dịch mới vào tháng 5.
Lâu nay, việc triển khai KRX vốn được xem là mục tiêu lớn đối với TTCK Việt Nam, hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi tích cực. Cụ thể, theo giới thiệu, hệ thống KRX sẽ đáp ứng hạ tầng để áp dụng các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho TTCK Việt Nam như: giao dịch trong ngày (T+0), bán khống (short selling), rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract), áp dụng hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm (CCP).
Lạc quan hơn, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital đánh giá, việc triển khai hệ thống giao dịch KRX mới trong quý I sẽ giúp giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, có thể giúp Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi bởi FTSE-Russell vào khoảng cuối năm 2024.
Tuy nhiên, trái ngược lại với kỳ vọng của giới đầu tư, hệ thống này lại lỡ hẹn vào phút chót và bỏ ngỏ thời gian áp dụng chính thức tiếp theo. Điều này, khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra dấu hỏi về khả năng triển khai thực tế đối với hệ thống KRX.
Sự chưa sẵn sàng của nhà điều hành
Nhìn lại công văn hỏa tốc của UBCKNN về việc chưa chấp thuận cho áp dụng KRX vào ngày 2/5 tới, cơ quan này đã hé lộ tình trạng không mấy lạc quan. Theo UBCKNN, HOSE chưa báo cáo Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) và chưa có ý kiến của các đơn vị thụ hưởng (HNX, VSD) về việc áp dụng KRX.
Bên cạnh đó, chưa có biên bản nghiệm thu tổng thể giữa chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thụ hưởng; chưa thể hiện hệ thống KRX đã được đơn vị chủ quản phê duyệt cấp độ an toàn thông tin (cấp độ 4) theo quy định.
Bên cạnh những nguyên nhân đến từ sự thiếu sót của HoSE, sự chần chừ của UBCKNN dường như đang thể hiện sự chưa sẵn sàng đến từ cơ quan điều hành, quản lý. Nguyên nhân có thể đến từ sự thiếu đồng bộ trong năng lực của các thành viên thị trường, cụ thể ở đây là các CTCK.
Hiện, trên TTCK có 60 CTCK đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 35 doanh nghiệp thật sự hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, để áp dụng hệ thống mới cần phải có một kế hoạch vận hành kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm tính liên tục, thông suốt của hệ thống, đáp ứng được sự tăng trưởng nhanh, mạnh của thị trường trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, sau khi đưa KRX vào vận hành, lộ trình chuyển giao công nghệ để người Việt làm chủ hệ thống cũng là một việc hết sức quan trọng. Bởi lẽ, nhìn lại hệ thống hiện tại và câu chuyện “giải cứu” của FPT cách đây 3 năm để thấy, sự phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài sẽ gây nhiều hệ lụy cho thị trường.
Còn nhớ, trong một cuộc trả lời báo chí hồi đầu năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc áp dụng hệ thống KRX và nâng hạng thị trường là hai vấn đề liên quan đến nhau nhưng có sự độc lập tương đối.
Bộ Tài chính xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, sau khi TTCK Việt Nam có giai đoạn phát triển nền tảng thì rất cần có bước phát triển mới. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, hệ thống mới yêu cầu rất cao về tính ổn định, an toàn cho nên Bộ Tài chính phối hợp với nhà thầu chặt chẽ để làm sao ổn định và an toàn nhất, hạn chế thấp nhất rủi ro. Đến lúc đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định đưa vào vận hành.
Đồng quan điểm, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, hệ thống giao dịch KRX cũng như các hệ thống công nghệ thông tin khác, chỉ là hệ thống giao dịch đơn thuần mang tính kỹ thuật, còn việc thị trường có được nâng hạng hay không liên quan tới chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong khi đó, những thiếu sót của TTCK Việt Nam dẫn đến việc chưa thể nâng hạng được hai tổ chức xếp hạng quốc tế lớn là FTSE Russell và MSCI chỉ ra liên quan tới vấn đề ký quỹ trước giao dịch (Prefunding) và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (trần “room” ngoại), ngoài ra còn có công bố thông tin bằng tiếng Anh và minh bạch công bố thông tin.
Một số ý kiến khác cho rằng, dù KRX được thực hiện thử nghiệm, các CTCK cũng đã có sự chuẩn bị tốt cho việc vận hành hệ thống, nhưng mới chỉ đáp ứng về mặt kỹ thuật, còn sự trải nghiệm trên thực tế diện rộng là chưa. Ngoài ra, các quy định, quy chế, văn bản hướng dẫn từ các cơ quan quản lý cũng như tại chính các CTCK vẫn chưa có, nên việc áp dụng tại thời điểm này không thể tránh khỏi sự bối rối, “loạn giao dịch”.
Tuy nhiên, việc nhanh chóng đưa hệ thống KRX vào vận hành chính thức vẫn được đánh giá là tạo được niềm tin của thị trường, sẽ đưa chứng khoán Việt Nam hội nhập với các nền chứng khoán tiên tiến như Singapore, Thailand, Indonesia, Malaysia, Phillipines… Nên việc sớm triển khai hệ thống vẫn là điều cần làm nhất lúc này.
THÙY LINH