Thông tin từ Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, đến cuối tháng 9/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới chỉ đạt khoảng 873 tỷ đồng, tương đương 2,2% tổng nguồn lực.
Doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 190 nghìn tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 63 nghìn tỷ đồng cho hơn 2.200 khách hàng.
Đây là kết quả thực hiện rất thấp sau gần 2 năm triển khai của chính sách này. Trước đó, tháng 1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 43 quy định hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.
Gói hỗ trợ lãi suất này cũng cho vay để cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Tuy nhiên, tình hình triển khai chính sách có kết quả còn rất hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Thời hạn thực hiện các chính sách của chương trình đến hết 31/12/2023. Theo dự kiến đến hết năm, chính sách này chỉ giải ngân được khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, còn khoảng 39.000 tỷ đồng không sử dụng hết.
Vụ Tài chính, tiền tệ đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến kết quả chậm này.
Thứ nhất là do một số doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không đăng ký thụ hưởng chính sách do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra.
Các doanh nghiệp có sự cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất do phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mặt khác, các khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới từ cuối năm 2022 đã gây ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Theo đó, thanh khoản của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu giảm, thị trường tài chính, tiền tệ gặp nhiều rủi ro; chứng khoán, trái phiếu suy giảm mạnh. Thị trường bất động sản cũng chuyển nhanh trạng thái từ nóng sang lạnh, thậm chí đóng băng cục bộ, thanh khoản suy giảm.
Nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó, buộc phải thu hẹp khiến họ không có nhu cầu vay vốn để đầu tư, phát triển.
Thứ ba, chương trình có quy mô lớn, triển khai trên phạm vi toàn quốc, bao hàm nhiều chính sách với đối tượng thụ hưởng đa dạng, tuy nhiên cơ sở dữ liệu để quản lý chưa hoàn thiện, dẫn đến khó xác định đối tượng được hưởng chính sách.
Khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, nhưng cũng không thể khẳng định có khả năng phục hồi (thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng kinh doanh) để thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất.
Do đó, việc triển khai chính sách cần thận trọng để tránh tiêu cực, lãng phí, trục lợi chính sách.
Cùng với đó, nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ.
Từ hạn chế trong việc thực hiện chính sách này, Vụ Tài chính, tiền tệ cho rằng, bài học kinh nghiệm trong việc thiết kế các chính sách hỗ trợ là cần có sự tham gia của các cấp, các ngành trực tiếp triển khai nhằm lường trước các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính khả thi của chính sách, tránh trường hợp chính sách tốt nhưng khó thực hiện.
Mặt khác, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, dự báo tình hình kinh tế, xác định đối tượng thụ hưởng, bám sát thực tế để lường trước các khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách nhằm chủ động giải pháp trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần được đẩy mạnh nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ nhanh, hiệu quả, tránh nhầm lẫn, sai sót, trục lợi chính sách.
An Chi