Khi những cổ phiếu nổi bật thời đại dịch mất đi ánh hào quang

Top 50 cổ phiếu thắng lớn trong giai đoạn đại dịch ngày nay lại ngậm ngùi chứng kiến đà lao dốc không phanh khi thị trường ghi nhận nhiều thay đổi mới…

50 công ty hoạt động tốt nhất trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã mất khoảng 1,5 nghìn tỷ USD giá trị thị trường kể từ cuối năm 2020, khi các nhà đầu tư quay lưng lại với nhiều cổ phiếu ấn tượng trong thời gian đầu lockdown.

Khi đó, các nhóm công nghệ thống trị danh sách 50 công ty có giá trị thị trường trên 10 tỷ USD, chứng kiến mức tăng phần trăm lớn nhất trong năm 2020, theo dữ liệu từ S&P Global.

Nhưng những người chiến thắng sớm trong thời kỳ đại dịch đến nay đã mất hơn 1/3 tổng giá trị thị trường (~1,5 nghìn tỷ USD), tính toán của Financial Times dựa trên dữ liệu của Bloomberg cho thấy.

Đáng chú ý nhất trong số đó, công ty công nghệ giao tiếp Zoom - có thời điểm cổ phiếu tăng tới 765% vào năm 2020 khi thế giới chuyển sang mô hình làm việc từ xa - là một trong những công ty thua lỗ lớn nhất. Cổ phiếu của Zoom đã giảm khoảng 80%, tương đương 77 tỷ USD kể từ cuối năm 2020.

Số phận tương tự của được nhìn thấy ở công ty truyền thông dựa trên đám mây RingCentral. Cổ phiếu của công ty đã tăng vọt trong giai đoạn bùng nổ xu hướng làm việc từ xa nhưng đến nay đã mất gần 90% giá trị do đối mặt với sự cạnh tranh từ những “gã khổng lồ” công nghệ như Alphabet và Microsoft.

Nhà sản xuất xe đạp tập thể dục Peloton cũng là một ví dụ tiêu biểu, với cổ phiếu lao dốc hơn 97% kể từ cuối năm 2020, tương đương với việc giá trị thị trường bị mất khoảng 43 tỷ USD. Vào sáng 9/5, đại diện của Peloton cho biết giám đốc điều hành Barry McCarthy sẽ từ chức và công ty cắt giảm 15% lực lượng lao động của mình. Đây được xem như biện pháp mới nhất trong một loạt các kế hoạch tiết kiệm chi phí.

Về mặt tỷ lệ phần trăm, Tesla là một trong những doanh nghiệp có chiến thắng vẻ vang nhất trong năm 2020. Giá trị thị trường của nhà sản xuất xe điện “phi mã” 787% lên 669 tỷ USD vào cuối tháng 12 năm đó, nhưng sau giảm xuống mức 589 tỷ USD.

Công ty internet Sea có trụ sở tại Singapore xếp ở vị trí thứ hai, khi giá trị thị trường vào năm 2020 tăng vọt từ 19 tỷ USD lên 102 tỷ USD sau sự nở rộ của cả ba hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty: trò chơi, thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số. Nhưng kể từ đó, công ty đã mất hơn 60% giá trị vào cuối năm 2020 trong bối cảnh lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Hy vọng về vaccine và nhu cầu điều trị y tế cũng đã góp phần thúc đẩy lợi nhuận cho các tập đoàn dược phẩm như Moderna và Pfizer vào năm 2020. Ngay cả những tập đoàn ít được biết đến hơn của Trung Quốc như WuXi Biologics, Chongqing Zhifei và Alibaba Health cũng "nở mày nở mặt". Tuy nhiên, lợi nhuận mà những doanh nghiệp này thu được trong thời kỳ đại dịch đã bị đảo ngược do các nhà đầu tư trở nên quan ngại về nhu cầu giảm sút đối với vaccine. Pfizer hiện đã mất hoàn toàn lợi nhuận đạt được từ năm 2020 và 2021, bất chấp việc đồng phát triển một loại vaccine được sử dụng rộng rãi với công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức.

Các nhóm thương mại điện tử Shopify, JD.com và Chewy, ban đầu phát triển mạnh nhờ chi tiêu trực tuyến tăng vọt, nay cũng phải chịu tổn thất lớn.

Những diễn biến này xảy ra khi sự tăng tốc mạnh mẽ của các xu hướng thời đại dịch có vẻ kém bền vững hơn dự kiến, nhất là khi nhiều người lao động quay trở lại văn phòng và lãi suất cũng như chi phí sinh hoạt cao ảnh hưởng đến nhu cầu chung. Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ tại TS Lombard nhận xét: “Một số công ty có thể nghĩ rằng các xu hướng thời đại dịch có thể tiếp tục duy trì. Nhưng giờ đây họ đang phải đối mặt với hệ luỵ của những kỳ vọng đó”.

Trong số 50 công ty thắng lớn vào 2020, chỉ còn 7 công ty vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Điển hình là nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD, Tập đoàn an ninh mạng CrowdStrike, công ty phần mềm The Trade Desk và Datadog, T-Mobile, công ty công nghệ Trung Quốc CATL và thị trường trực tuyến Mỹ Latinh Mercado Libre.

Và bên cạnh đó, vẫn có các công ty hưởng lợi trong thời kỳ đại dịch ngày nay thậm chí còn có kết quả tốt hơn, bao gồm “gã khổng lồ” công nghệ Nvidia và Amazon, lần lượt xếp thứ 54 và 100 trong số những cổ phiếu hoạt động tốt nhất 2020.

Nvidia đã tăng thêm hơn 1,9 nghìn tỷ USD giá trị thị trường kể từ cuối năm 2020 nhờ sự bùng nổ của cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

“Vòng kim cô” kìm hãm sức hấp dẫn chứng khoán Việt

“Vòng kim cô” kìm hãm sức hấp dẫn chứng khoán Việt

Sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu Việt Nam khó có thể đem lại sự bứt phá khi gặp phải các rủi ro về lãi suất, tỷ giá và các biến động nội tại, trừ trường hợp các giải pháp giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam được thực hiện quyết liệt hơn...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.