Ngày 17/1/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội - HBA và Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD tổ chức Chương trình gặp mặt đối ngoại chào năm mới 2024 - Xuân Giáp Thìn.
Tới dự chương trình có lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo các Uỷ ban của Quốc Hội; Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung Ương; Lãnh đạo thành phố Hà Nội và một số địa phương; Lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của Trung Ương và các địa phương.
Đặc biệt, trong 300 đại biểu tham dự chương trình, có gần 60 vị khách quốc tế là các Đại sứ, Đại biện; các vị tham tán kinh tế, tham tán thương mại của nước ngoài tại Việt nam; Các vị Trưởng văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Và các lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu là hội viên của VACOD và HBA tại Hà Nội và trên toàn quốc.
Tại sự kiện, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã có những chia sẻ và đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo TS. Võ Trí Thành, tình hình kinh tế trên thế giới vẫn rất khó khăn, các dự báo của World Bank (WB), IMF, ADB đều cho rằng tốc độ tăng trưởng trong năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023 và cả 3 năm liền kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn mức trung bình của năm 2019. Điểm tích cực là áp lực lạm phát, lãi suất sẽ giảm.
"Chúng ta có thể nói đây là thời đại sống trong bất định và khó lường, địa chính trị, căng thẳng, xung đột và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này khác các cuộc khủng hoảng trước là khó khăn chồng chất nhưng chưa bao giờ thế giới đặt ra cho mình phải chuyển đổi, phải tái cấu trúc và phát triển theo cách mới như giai đoạn hiện nay. Và đây là điểm khác rất căn bản. Chúng ta nói đến số, nói đến xanh, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu", TS. Võ Trí Thành nhận xét.
Quay lại thời điểm cuối năm 2022, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, Việt Nam đã có một sang chấn rất lớn từ bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Từ năm 2023 đến nay, vẫn còn nhiều vấn đề hiện hữu như những ngân hàng yếu kém, nợ xấu gia tăng… Nhưng có thể nói thời điểm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam về tài chính tiền tệ đã qua.
“Chúng ta ổn định được hệ thống tài chính hoạt động tương đối bình thường, cung ứng cho doanh nghiệp. Việt Nam là một trong số ít nước đi nhanh trong việc hạ lãi suất khá mạnh mẽ, tỷ giá tương đối ổn định”.
Trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tính đạt 5,05% vào năm 2023. Theo TS. Võ Trí Thành đánh giá, con số này so với ước vọng của Việt Nam là rất thấp.
Theo tính toán của ông Thành, để đạt được mục tiêu 2021 - 2025, thì Việt Nam cần tăng trưởng 2024 - 2025 mỗi năm trên 8%. Mục tiêu Quốc hội đề ra cũng chỉ là 6 - 6,5%. Trong tất cả các chỉ số, chỉ số quan trọng nhất mà 3 - 4 năm liền Việt Nam không đạt được đó là chỉ số tăng năng suất lao động.
Ngoài ra, sau rất nhiều năm, lần đầu tiên công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu không còn là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam, tăng trưởng xuất khẩu âm, tăng trưởng chế biến chế tạo cải thiện nhưng cũng chỉ đạt mức rất thấp 3,6%.
"Thay vào đó, tiêu dùng của Việt Nam đang là bệ đỡ. Mặc dù vậy sức mua tiêu dùng của Việt Nam đã bắt đầu giảm. Cách đây 6 tháng, tăng trưởng tiêu dùng là 9%. Trừ yếu tố giá cả, cả năm 2023 chỉ còn 7%. Đấy là chúng ta còn nhờ 12,6 triệu khách du lịch, chúng ta mới giữ được mức tăng. Có thể thấy người Việt Nam “móc hầu bao” không còn như năm 2022”.
Một yếu tố nữa là đầu tư bị chững lại. Tuy nhiên có 2 điểm sáng là FDI và giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh. Trong đó, có lẽ điểm sáng nhất năm nay là đã thực hiện được mục tiêu đề ra là 95% của 710.000 tỷ đồng, tức đã giải ngân được gần 680.000 tỷ đồng đầu tư công. Đây chính là động lực quan trọng.
Theo ông Võ Trí Thành, xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo đang có rất nhiều điểm cộng, nhưng cũng vô vàn điểm trừ. Với tình hình thế giới và trong nước, chính sách của Việt Nam vẫn tiếp tục 3 nhóm chính sách cơ bản nhất.
Nhóm chính sách thứ nhất là tiếp tục kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp. Nhóm chính sách thứ hai là bằng mọi giá phải giữ được ổn định và tạo cho Việt Nam sức chống chịu trước bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài.
Nhóm chính sách thứ ba có lẽ là nhóm quan trọng nhất. Đó là chuẩn bị những điều kiện, những nền tảng pháp lý, hạ tầng, nguồn nhân lực và quy hoạch tất cả những điều trên để tạo ra những nền tảng để Việt Nam phát triển đột phá trong giai đoạn tiếp theo và bắt nhịp với những xu thế của thế giới, dịch chuyển chuỗi cung ứng xanh và số.
"Đây là giai đoạn mà chúng ta phải nhìn cho thấu hết khó khăn, nhưng cũng phải nhận ra cơ hội và hãy suy nghĩ tích cực. Cũng giống như Chính phủ phải tìm mọi cách để ổn định, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc. Một thông điệp mà tôi muốn dành cho doanh nghiệp đó là hãy phòng thủ thật chắc chắn, quản trị dòng tiền và quản trị rủi ro tốt. Chính phủ luôn tìm mọi cách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải quyết tâm để vượt khó, tận dụng chính sách, hỗ trợ lẫn nhau, biết chuyển đổi sản phẩm và thị trường tuỳ theo biến động của tình hình. Bên cạnh đó, Chính phủ đang nỗ lực tạo mọi thứ để tạo ra đột phá mới, những động lực tăng trưởng mới thì doanh nghiệp cũng phải bắt nhịp với xu thế, đó là chơi với tập đoàn lớn, xanh, số và đằng sau là văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp", TS. Võ Trí Thành khẳng định.
Nguyễn Lan