Các chỉ số chính của Phố Wall chốt phiên 23/7 với mức giảm nhẹ sau khi từ bỏ đà tăng nhẹ trong những phút cuối do các nhà đầu tư chuyển hướng chú ý sang báo cáo lợi nhuận mới nhất từ Alphabet và Tesla…
Kết thúc phiên 23/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 57,35 điểm (-0,14%) xuống còn 40.358,09 điểm, S&P 500 mất 8,67 điểm (-0,16%) còn 5.555,74 điểm, trong khi Nasdaq Composite trượt 10,22 điểm (-0,06%) thành 17.997,35 điểm.
8 trong số 11 nhóm ngành chính của S&P kết thúc trong sắc đỏ, với chỉ số năng lượng giảm mạnh nhất 1,6% khi giá dầu chạm mức thấp nhất trong sáu tuần.
Alphabet và Tesla là bộ đôi công ty đầu tiên trong nhóm "Magnificent Seven" báo cáo kết quả kinh doanh sau giờ giao dịch chính. Cả hai đều ghi nhận doanh thu quý 2 khả quan.
Cụ thể, Tesla đạt được mức tăng doanh thu bất ngờ nhờ lượng xe bàn giao vượt mong đợi, được hỗ trợ bởi việc giảm giá và các chương trình khuyến mãi. Trong khi đó, Alphabet vượt qua kỳ vọng về doanh thu nhờ sự gia tăng trong mảng quảng cáo kỹ thuật số và nhu cầu cao đối với dịch vụ điện toán đám mây.
Tuy nhiên, trước khi công bố số liệu, cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Tesla giảm 2%, còn cổ phiếu của công ty mẹ Google nhích nhẹ 0,1%.
Báo cáo lợi nhuận từ các “gã khổng lồ” công nghệ sẽ là yếu tố then chốt để xác định liệu đà tăng kỷ lục năm 2024 có thể tiếp tục duy trì hay không, hoặc liệu các cổ phiếu này có đang được định giá quá cao.
Câu hỏi về việc liệu sự chuyển đổi từ các cổ phiếu megacap (vốn hoá lớn) sang các cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa có tiếp tục hay không cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm.
Chỉ số Russell 2000, đại diện cho các công ty vốn hóa nhỏ, tăng 1% trong ngày.
“Thị trường đang chú ý đến các báo cáo thu nhập, vì đó là yếu tố quan trọng trong tuần này và tuần tới. Phản ứng giá đối với những báo cáo này sẽ rất cần được theo dõi”, Jack Janasiewicz, chiến lược gia danh mục đầu tư hàng đầu tại Natixis Investment Managers cho biết.
Các cổ phiếu megacap đã hỗ trợ thị trường vào đầu phiên giao dịch với cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm. Tuy nhiên, mặc dù hầu hết đều tiếp tục đi lên, điển hình như Apple, Microsoft, Meta Platforms và Amazon đều tăng từ 0,3 - 2,1%, thì đà tăng tổng thể của thị trường đã hạ dần vào buổi chiều, dẫn đến mức giảm tổng thể khi đóng cửa.
Bên cạnh đó, báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng từ các tên tuổi quen thuộc cũng đã kiềm chế đà tăng của thị trường.
Giá cổ phiếu của United Parcel Service lao dốc 12,1% sau khi không đạt được ước tính về lợi nhuận do nhu cầu giao hàng bưu kiện giảm và chi phí hợp đồng lao động cao hơn. Cổ phiếu này đóng cửa ở mức thấp nhất trong bốn năm.
General Motors mất 6,4% bất chấp việc đạt được kết quả kinh doanh quý 2 khả quan và dự báo lợi nhuận cả năm cao hơn dự kiến. Trong khi đó, Comcast giảm 2,6% do không đạt được ước tính về doanh thu.
NXP Semiconductors trượt 7,6% vì dự báo doanh thu quý 3 thấp hơn ước tính, kéo chỉ số bán dẫn Philadelphia SE giảm 1,5%.
Mặt khác, cổ phiếu của Spotify nhảy vọt 12% nhờ báo cáo lợi nhuận ròng quý cao kỷ lục. Cổ phiếu của Coca-Cola nhích nhẹ 0,3% sau khi công ty điều chỉnh tăng dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Theo dữ liệu của LSEG, trong số 74 công ty đầu tiên thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh, 81,1% vượt qua kỳ vọng.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,45 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,33 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
GIÁ DẦU GIẢM XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG 6 TUẦN
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khoảng 2% xuống mức thấp nhất trong 6 tuần khi kỳ vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza tăng lên và lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc gia tăng.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,39 USD, tương đương 1,7%, đóng cửa ở mức 81,01 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,44 USD, tương đương 1,8%, đóng cửa ở mức 76,96 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa thấp nhất của Brent và WTI kể từ ngày 7/6 và đẩy cả hai vào vùng quá bán về mặt kỹ thuật lần đầu tiên kể từ đầu tháng 6.
Giá dầu diesel của Mỹ cũng kết thúc phiên ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/6, trong khi giá xăng đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 14/6.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 9 ngày cũng gây áp lực lên giá dầu. USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn ở các nước khác, từ đó có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Tuy nhiên, ngày càng có thêm nhiều dự đoán về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9, điều này sẽ tạo ra một mức giá sàn cho dầu vì chi phí vay vốn thấp hơn có xu hướng hỗ trợ nhu cầu dầu mỏ.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Luis de Guindos đã gợi ý khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9, trong khi ở Mỹ, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9.
Trung Quốc đã gây bất ngờ cho thị trường khi cắt giảm lãi suất ngắn hạn và dài hạn chính vào thứ Hai, một động thái toàn diện đầu tiên kể từ tháng 8/2023, cho thấy ý định thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kim Nguyễn