Tín dụng chạy nước rút

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,09%. Mặc dù vẫn thấp hơn so với năm ngoái nhưng có thể thấy càng về cuối năm, tốc độ giải ngân tín dụng càng nhanh chóng.

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV của Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến thời điểm 21/12/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,03% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,85%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85% (cùng thời điểm năm trước tăng 5,99%).

Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,09%, thấp hơn mức cùng thời điểm năm trước tăng 12,87%.

Tổng cục Thống kê cho biết trong năm 2023, các tổ chức tín dụng đã thực hiện chính sách tín dụng an toàn, lành mạnh, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5%-2%/năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh trong những tháng cuối năm. Tuy vậy, tình trạng dư thừa vốn tại ngân hàng thương mại vẫn tiếp diễn do cầu tín dụng của nền kinh tế ở mức thấp.

Điều đó dẫn đến việc giảm mạnh lãi suất huy động cuối năm, ngược với xu hướng những năm trước do đây là thời điểm ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động, triển khai chương trình khuyến mại để thu hút vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,3-10,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm.

Mặc dù vẫn thấp hơn so với năm ngoái nhưng có thể thấy, càng về cuối năm, tốc độ giải ngân tín dụng càng nhanh chóng.

Chỉ trong 20 ngày của tháng 12, tín dụng đã tăng 1,96%, tương đương khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.

Trong công điện mới ban hành, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Vốn đẩy ra tăng nhanh hơn sau khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) quyết định nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại đã đạt trên 80% chỉ tiêu. Đây là động thái cần thiết, giúp nhiều nhà băng chủ động hơn khi đã tăng tín dụng vượt hạn mức được cấp đầu năm.

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là kết thúc năm 2023 và ngành ngân hàng khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm.

Trong công điện, Thủ tướng đã yêu cầu trong năm 2024 NHNN tập trung chỉ đạo chuẩn bị kỹ, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng, trong đó, chú trọng rà soát, hoàn thiện tiêu chí, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng không nên cho vay đặt cọc

Ngân hàng không nên cho vay đặt cọc

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng các quy định mới về đặt cọc trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ bảo vệ người mua nhà tốt hơn, đồng thời cho rằng ngân hàng không nên cho vay đặt cọc...

Lãi suất vẫn có thể giảm thêm?

Lãi suất vẫn có thể giảm thêm?

Sau cuộc họp gần nhất của FED, một số ngân hàng trung ương trên thế giới dự báo sẽ bắt đầu giảm lãi suất sau giai đoạn dài tăng mạnh. Trong khi đó, dư địa giảm lãi suất của Việt Nam đã bị thu hẹp khi NHNN đã có 4 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.