'Bắt mạch' người tiêu dùng năm 2024

Tại Việt Nam, tiềm năng của một thị trường tiêu dùng trong nước đang phát triển vẫn còn đó khi các nhà đầu tư nước ngoài đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội sinh lời...

'Bắt mạch' người tiêu dùng năm 2024

Sau một năm Quý Mão đầy thử thách, bối cảnh của Việt Nam được dự báo sẽ tốt lên trong năm Giáp Thìn. Bên cạnh việc phải chú ý đến chu kỳ xuất khẩu, điều quan trọng không kém là phải đánh giá được nhu cầu trong nước diễn biến ra sao.

Câu trả lời ngắn gọn là: Mặc dù được kỳ vọng sẽ bù đắp cho lĩnh vực bên ngoài chậm lại, nhu cầu trong nước cũng phải chịu áp lực gia tăng nhưng dự kiến sẽ cải thiện, dấu hiệu ban đầu chính là một số cổ phiếu trong lĩnh vực tiêu dùng đang phục hồi.

THẢ CON SĂN SẮT...

Trong một báo cáo mới đây của HSBC về thị trường tiêu dùng, cơ quan này cho biết, Việt Nam có tỷ trọng tiêu dùng lớn chiếm hơn 50% GDP. Gia tăng với tốc độ bình quân hàng năm là 7,5% trước đại dịch, tiêu dùng cá nhân đã giảm sút đáng kể từ khi xảy ra dịch bệnh, ngoại trừ giai đoạn mở cửa trở lại trong năm 2022.

Đặc biệt, tăng trưởng tiêu dùng cá nhân đã giảm một nửa trong năm 2023, phản ánh tác động rõ rệt của tình hình kinh tế chậm lại đối với các hộ gia đình.

Theo HSBC, một phần nguyên nhân là do hiệu ứng biến động giá trị tài sản do lĩnh vực bất động sản suy yếu theo chu kỳ, phần khác là do những thay đổi lớn trong hành vi người tiêu dùng kể từ đại dịch.

Cụ thể, người tiêu dùng có xu hướng cảnh giác với những biến động kinh tế, do vậy gia tăng khuynh hướng tiết kiệm. Mặc dù dữ liệu của năm 2023 chưa được công bố nhưng tỷ lệ tiết kiệm tăng 40% cao hơn đáng kể trong năm 2022 cũng phần nào minh họa cho xu hướng này.

'Bắt mạch' người tiêu dùng năm 2024 2

Điều này càng được đảm bảo khi nhìn vào thị trường lao động Việt Nam. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp 2,3%, tỷ lệ tăng trưởng việc làm chậm lại trong năm 2023 và vẫn đang hướng đến chứ chưa phục hồi hoàn toàn.

Rõ ràng, Việt Nam đang hồi hộp mong chờ sự phục hồi mang tính chu kỳ trong thương mại toàn cầu, vốn là niềm hy vọng chính cho thị trường việc làm. Điều may mắn là lĩnh vực điện tử gần đây đã chứng kiến một số dấu hiệu tích cực, cho thấy giai đoạn đen tối nhất của lĩnh vực thương mại đã trôi qua.

Tuy nhiên, mỗi ngành mỗi khác bởi sự phục hồi diễn ra không hoàn toàn đồng đều. Những ngành vốn cung cấp nguồn việc làm lớn như dệt may và da giày lại chưa hoàn toàn thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Châu Á vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi của quá trình phục hồi thương mại bởi chúng ta cần thêm bằng chứng để thấy được một sự phục hồi ổn định bền vững nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong khi đó, sự phục hồi hoàn toàn trong lĩnh vực du lịch cũng hết sức quan trọng đối với thị trường lao động, hỗ trợ cho những lao động làm việc trong ngành dịch vụ.

Nhờ những chính sách thuận lợi gia hạn thời gian lưu trú miễn thị thực cho du khách nước ngoài đến từ một số quốc gia và cấp visa điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước từ giữa tháng 8, Việt Nam đón khoảng 12,6 triệu lượt khách nước ngoài (70% mức của năm 2019) vượt khá xa mục tiêu ban đầu của nhà nước là 8 triệu lượt.

'Bắt mạch' người tiêu dùng năm 2024 3

Triển vọng thuận lợi thậm chí thúc đẩy Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra mục tiêu đầy tham vọng cho năm nay là 17-18 triệu khách nước ngoài, gần đạt mức cao kỷ lục của năm 2019, nhắm tới tổng doanh thu là 840 nghìn tỷ đồng (8% GDP), vượt mức của năm 2019. Dựa trên xu hướng trước đây, điều này đồng nghĩa du lịch quốc tế trong năm 2024 có khả năng sẽ đạt khoảng 4% GDP, tương đương mức bình quân trước đại dịch của châu Á.

Mặc dù vậy, cuộc cạnh tranh về du lịch trong khu vực đang ngày càng căng thẳng. Trong khi phục hồi về lượng du khách Trung Quốc chậm hơn kỳ vọng, để du lịch ở ASEAN phục hồi hoàn toàn cần phải có một số lượng đáng kể du khách Trung Quốc, nguồn cung nhất lớn nhất của du lịch. Các quốc gia trong khu vực bao gồm Thái Lan, Malaysia và Singapore đều đã giới thiệu chương trình miễn thị thực cho du khách Trung Quốc, gia tăng độ hấp dẫn của một "chuyến đi ngẫu hứng" cho khách du lịch.

...BẮT CON CÁ RÔ

Bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong ngắn hạn, HSBC tin rằng những xu hướng cơ cấu còn tiếp tục hứa hẹn đối với Việt Nam. Với sự phát triển ấn tượng trong vòng 20 năm qua, sự gia tăng nói chung về tài sản đã thúc đẩy xu hướng tiêu dùng mạnh hơn, kích thích sự chuyển dịch sang hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu.

Xem xét xu hướng chi tiêu không thiết yếu, HSBC nghiên cứu lựa chọn mua hàng của người dân và thấy rằng, mặc dù tỷ lệ xe gắn máy trong vai trò phương tiện giao thông cá nhân vẫn còn cao ở Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu xe lên đến 70%, số lượng mua ô tô đang dần tăng lên.

Dấu hiệu rõ rệt cho thấy sức mua tiêu dùng gia tăng chính là xu hướng mua hàng khác biệt giữa xe SUV so với xe sedan. Trong đó, xe SUV nói chung đắt hơn xe sedan. Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng mới xuất hiện gần đây. Thực tế, thu nhập bình quân đã tăng nhanh hơn mức chi tiêu trong những năm qua, giúp trợ lực cho tiêu dùng gia tăng.

'Bắt mạch' người tiêu dùng năm 2024 4

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu mới nổi đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội sinh lời nhờ nhu cầu gia tăng chi tiêu của người Việt Nam. Dòng FDI từ Nhật Bản đổ vào lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tài chính đã tăng mạnh chính là một ví dụ đáng chú ý.

Mặc dù tài sản của người dân đang gia tăng, gần 80% dân số vẫn chưa hoặc tiếp cận dịch vụ ngân hàng chưa đầy đủ, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank - ADB). Dữ liệu về Tài chính Toàn diện mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng minh chứng cho điều này, cho thấy Việt Nam sở hữu tiềm năng đáng kể để phát triển các kênh cho vay chính thống, vốn vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển (Biểu đồ 10).

Mặc dù tiềm năng có vẻ sáng sủa, Việt Nam cần lưu ý những rủi ro liên quan. Vấn đề chính cần lưu tâm là nợ của hộ gia đình gia tăng. HSBC ước tính thông qua phân tích báo cáo tài chính của bốn ngân hàng lớn, vốn có thể bao gồm những khoản vay cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong giai đoạn 2013-2022, nợ của hộ gia đình tăng mạnh, từ 28% GDP lên 50% GDP. Đòn bẩy tiêu dùng gia tăng không bền vững có thể tạo ra những rủi ro đáng kể cho ngành ngân hàng Việt Nam, cũng như ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng trong tương lai do phải cắt thêm thu nhập để trả nợ.

Điều may mắn là chính phủ đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình trong năm 2023, chẳng hạn như gia hạn thời gian giảm thuế, cắt giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ. Trong khi những căng thẳng tài chính có khả năng còn duy trì và sẽ cần được theo dõi trong giai đoạn ngắn hạn, có một số dấu hiệu cho thấy giai đoạn xấu nhất đã trôi qua.

Nhìn chung, theo quan điểm của HSBC, tâm lý còn thận trọng nhưng đang cải thiện đối với lĩnh vực bất động sản sẽ thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng. Trong khi đó, triển vọng tốt lên của thị trường lao động sẽ hỗ trợ tăng trưởng lương, từ đó cải thiện khả năng trả nợ của hộ gia đình.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.