Giá ure thế giới được dự báo sẽ neo cao trong nửa cuối năm nay và tăng khoảng 9% trong năm sau. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) và Đạm Phú Mỹ (mã cổ phiếu DPM).
Dự báo giá ure tăng trở lại trong năm 2025
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcap, giá ure tại khu vực Trung Đông trong cả năm nay sẽ duy trì ở mức trung bình 320 USD/tấn. Mức giá này thấp hơn 10,5% so với năm 2023 nhưng vẫn cao hơn tới 20% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Trong nửa đầu năm nay, giá ure Trung Đông đạt trung bình 326 USD/tấn. Như vậy, mức giá trong nửa cuối năm nay sẽ gần như tương đương giai đoạn nửa đầu năm.
Dựa trên các điều kiện thị trường hiện nay, Chứng khoán Vietcap dự báo giá ure Trung Đông đạt trung bình 350 USD/tấn trong năm 2025 và giảm dần về mức 330 USD/tấn trong các năm sau đó.
Đáng chú ý, Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây đã nâng dự báo giá khí trung bình trong báo cáo tháng 7/2024 thêm 14% so với dự báo tháng 4. Giá khí trong năm 2025 cũng được dự báo sẽ tăng so với năm 2024. Điều này có thể gây áp lực lên nguồn cung urê Châu Âu và hỗ trợ cho giá urê.
Một số chuyên gia trong ngành hiện dự báo giá ure trong năm 2025 có thể tăng khoảng 9% so với mặt bằng giá năm nay.
Chứng khoán Vietcap hiện dự phóng giá bán ure trung bình (ASP) đối với Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM) với mức chênh lệch giá (so với giá urê Trung Đông) là 20% trong năm 2024.
Đáng chú ý, Chứng khoán Vietcap đánh giá mức ASP của Đạm Cà Mau sẽ vượt trội so với mức ASP của Đạm Phú Mỹ dài hạn từ năm 2025-2028 do các sản phẩm urê dạng hạt của Đạm Cà Mau hiện đại và dễ xuất khẩu hơn.
Theo Yara - một trong những công ty phân bón lớn nhất thế giới, việc mở rộng công suất urê trên toàn cầu (trừ Trung Quốc) đã đạt đỉnh vào năm 2022 ở mức 6,2 triệu tấn/năm. Dự kiến sẽ lần lượt giảm xuống mức 2,7 triệu tấn/năm và 0,4 triệu tấn/năm trong các năm 2024 và 2025.
Nói cách khác, ngay cả khi Trung Quốc dỡ bỏ các chính sách hạn chế xuất khẩu trong năm 2025 và Nga quay trở lại xuất khẩu nhiều hơn với mức hạn ngạch mới, nguồn cung urê toàn cầu cũng có thể sẽ không tăng đáng kể.
Kỳ vọng áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón
Bên cạnh yếu tố giá ure neo cao, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ nhận được thêm sự hỗ trợ từ việc mặt hàng phân bón được áp dụng Thuế Giá trị Gia tăng (VAT) 5%.
Kể từ năm 2015, các sản phẩm phân bón không đủ điều kiện để được khấu trừ thuế VAT đầu vào do thuộc diện miễn thuế.
Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%. Cùng với đó, Chính phủ đã rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đề xuất nội dung kiến nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT thuế suất 5%.
Trong phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 4/2023, nhiều đại biểu đã tán thành khi dự thảo luật đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế nhằm giúp sản phẩm phân bón trong nước cạnh tranh “sòng phẳng” hơn với các mặt hàng nhập khẩu.
Theo ý kiến của một số chuyên gia trong ngành, đề xuất áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2024, sau đó sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/01/2025.
Với giá cổ phiếu hiện tại, Chứng khoán Vietcap nhận định, cổ phiếu DCM đang có phần “hấp dẫn” hơn cổ phiếu DPM. Không tính đến việc nhà máy urê trẻ hơn giá khí đầu vào thấp hơn nhẹ, kế hoạch tăng cường mở rộng mảng NPK, và chi phí bán hàng & quản lý (SG&A) thấp hơn của Đạm Cà Mau, Đạm Cà Mau hiện đang giao dịch ở mức PE dự phóng năm 2025 thấp hơn so với Đạm Phú Mỹ.
Theo Chứng khoán Vietcap, định giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 2025 là 8,9 lần. Ngoài ra, EV/EBITDA dự kiến năm 2025 của Đạm Cà Mau cũng ở mức hấp dẫn là 4,1 lần, so với mức 5,5 lần của các công ty cùng ngành khác.