Giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online

Người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023, đáng chú ý, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online.

Mỗi người dành ra hơn 8 giờ/tuần để mua sắm online

Giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online.
Theo NielsenIQ, nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. 

Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam của NielsenIQ Việt Nam cho hay, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cụ thể, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.

Theo đó, trung bình mỗi người sử dụng 3,2 nền tảng để phục vụ cho việc mua sắm online. "Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để mua hàng, chiếm 94%", đại diện NielsenIQ cho biết.

Nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Tiếp đến là các mặt hàng thời trang - thể thao, chăm sóc nhà cửa và công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, vận chuyển hàng hóa.

Đáng chú ý, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online. Hai lý do được nhiều người quan tâm nhất là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%).

Theo NielsenIQ, những con số trên cho thấy mua sắm trực tuyến đã trở thành hoạt động phổ thông, và việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu cũng trở nên phổ biến. Chính vì thế, thương mại điện tử cần sớm tìm động lực tăng trưởng mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay.

Điều gì chi phối thói quen tiêu dùng hiện nay?

Lý giải liên quan đến sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, tại Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam 2024, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ nhận định, chi phí sinh hoạt tăng là mối quan tâm của người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Đặc biệt, chi phí nhiên liệu, thực phẩm và dịch vụ y tế là những vấn đề được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế và nguy cơ mất việc làm, họ cũng cảm nhận được tác động của lạm phát thông qua việc tăng giá bán hàng hóa. 

Vì hàng hóa tăng giá dẫn đến việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu trên toàn bộ khu vực APAC. 

Đại diện NielsenIQ khu vực miền Bắc cũng cho biết, để ứng phó với tình trạng hàng hóa tăng giá, người trẻ cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, trong khi đó nhóm người lớn tuổi có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. 

Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn và thắt chặt ngân sách cho các mặt hàng không cần thiết để tiết kiệm, họ ngày càng xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến như một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm hàng tạp hóa. Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online.
Theo đại diện NielsenIQ khu vực miền Bắc, người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn và thắt chặt ngân sách cho các mặt hàng không cần thiết để tiết kiệm...

Về xu hướng mua sắm online, tại Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng 2024, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam cũng chỉ ra rằng, thời điểm đại dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm ít hơn do giãn cách xã hội. 

Và thói quen này đã hình thành ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc, cụ thể, người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn, với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên.

Trong những năm gần đây, kênh bán lẻ đã có sự thay đổi từ kênh truyền thống sang nền tảng thương mại và trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị. Các cửa hàng chuyên doanh hiện đại cũng ghi nhận tăng trưởng đáng kể. 

Theo Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam, kênh online hiện đang đóng góp 8% vào tổng giá trị thị trường FMCG và dự kiến sẽ tăng thêm 2 điểm thị phần trong 2 năm tới, mở ra cơ hội cho các thương hiệu nhất là các thương hiệu nhỏ, tiếp cận nhiều người mua sắm hơn một cách nhanh chóng. 

Đại diện Kantar Việt Nam cũng cho biết, TikTok Shop đã gia tăng đáng kể lượng người mua trong một thời gian ngắn nhờ nền tảng giải trí - mua sắm độc đáo. Trong đó, những ngành hàng chiếm tỷ trọng cao nhất (dựa vào % giá trị) là sữa bột trẻ em, chăm sóc da mặt, chăm sóc tóc.

Không chỉ thành thị mà người tiêu dùng nông thôn cũng đang tiếp cận với nền tảng mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, nơi nhà sản xuất có thể tận dụng để tiếp cận, xuất hiện trong nhận thức và thuyết phục người tiêu dùng mua sản phẩm. 

Cũng theo dẫn chứng báo cáo của Kantar Việt Nam, kênh trực tuyến ở nông thôn ngày càng tiếp cận thêm nhiều người mua mới, tăng gần 10% số hộ gia đình mỗi năm. 

Ngành bán lẻ kỳ vọng bứt phá trong nửa cuối năm

Ngành bán lẻ kỳ vọng bứt phá trong nửa cuối năm

Các nhà bán lẻ tạp hoá như WinCommerce, Bách Hoá Xanh,... đang cơ cấu lại mô hình vận hành cửa hàng để nắm bắt xu hướng mua hàng qua các kênh bán lẻ trực tuyến và hiện đại của người tiêu dùng Việt Nam, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu vào nửa cuối năm 2024.
Quản chặt sàn bất động sản điện tử

Quản chặt sàn bất động sản điện tử

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chặt chẽ đối với hoạt động của sàn giao dịch bất động sản điện tử. Mục đích nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho khách hàng.
Thêm trải nghiệm mua sắm mới

Thêm trải nghiệm mua sắm mới

Xuất hiện trên thế giới vào năm 2008, cửa hàng cà-phê và bán lẻ pop-up (hay còn gọi là cửa hàng siêu thực địa) chuyên về thời trang dần được người tiêu dùng ưa thích do được trải nghiệm dịch vụ bằng nhiều giác quan. Lần đầu tiên cửa hàng kèm quán cà-phê do thương hiệu cao cấp Dior kết hợp với khu nghỉ dưỡng Four Seasons The Nam Hải (Hội An, Quảng Nam) tạo dựng đã đánh dấu sự khởi đầu của mô hình mua sắm mới tại Việt Nam.
Gạo Ông Cua ST25 giả bán trên sàn Shopee

Gạo Ông Cua ST25 giả bán trên sàn Shopee

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đã triệt xóa một cơ sở sản xuất gạo ST25 giả mạo nhãn hàng hóa và bao bì Gạo Ông Cua trên địa bàn huyện Tiên Du, thu giữ hơn 5 tấn hàng hóa vi phạm...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.