Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động tiếp vận và quản lý chuỗi cung ứng đang giúp các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ tối ưu chi phí, tối ưu nguồn lực.
Các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất, sàn thương mại điện tử đang chuyển mình trước dòng chảy chuyển đổi số. Những mục tiêu hàng đầu mà các doanh nghiệp hướng đến bao gồm tối ưu chi phí, tối ưu nguồn lực, nâng cao sự linh hoạt và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Chuyển đổi số: Xu thế tất yếu
Theo ông Dương Việt Tùng, Giám đốc vận hành FPT akaBot, 80% doanh nghiệp được khảo sát trong ngành tiếp vận đã triển khai hệ thống theo dõi và quản lý vận tải, 70% đã áp dụng sàn giao dịch điện tử và 60% sử dụng dữ liệu lớn để phân tích chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo chuyển đổi số Việt Nam năm 2023, hơn 50% doanh nghiệp ngành bán lẻ,sản xuất đã triển khai hệ thống quản lý sản xuất, sử dụng robot tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong quản lý kho vận, hàng hóa.
Ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc cấp cao Tikinow Smart Logistics (công ty thành viên của Tiki Group) nhận xét rằng vận hành hậu cần trong chuỗi cung ứng ở Việt Nam còn phân mảnh.
Các doanh nghiệp phải làm việc với nhiều đơn vị, đầu mối khác nhau để quản lý hàng từ khâu sản xuất tới tay người dùng cuối.
Ở khâu giao hàng, hiện có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm hay Viettel Post, nhưng công đoạn xử lý hàng hoàn thì đa phần các doanh nghiệp làm chưa tốt.
Khắc phục điểm yếu
Để giải quyết điểm yếu này, năm 2019, Tiki Group đã nâng cấp bộ phận vận hành thành công ty thành viên Tikinow Smart Logistics chuyên phụ trách khâu logistics.
Tikinow Smart Logistics được xây dựng dựa trên công nghệ, tổ chức thành bốn bộ phận: quản lý tồn kho, xử lý đơn hàng, vận chuyển, và xử lý hàng hoàn.
Khác với cách truyền thống, Tikinow Smart Logistics áp dụng công nghệ vào từng khâu. Ví dụ, quản lý tồn kho chi tiết từng sản phẩm, robot hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, phần mềm quản lý hàng hoàn giúp tăng tính chính xác tới 99% và giảm 70% nguồn nhân lực.
Còn trong khâu quản lý kế toán tài chính, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Kế toán tài chính Daikin Việt Nam cho rằng "cắt giảm chi phí không phải là giảm bằng mọi giá mà là tối ưu hóa.
Nhằm hệ thống hóa công việc và giảm giờ làm, Daikin Việt Nam đã triển khai công nghệ để xử lý tự động hơn 40.000 hóa đơn đầu vào/năm, giúp tiết kiệm 75% thời gian và cắt giảm 99,9% chi phí khi có rủi ro, sai sót trong hóa đơn.
Ông Tùng cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ áp dụng công nghệ mà còn cần quan tâm đến các khóa đào tạo, huấn luyện nhân viên để có khả năng khai thác tối đa robot và trí tuệ nhân tạo.
Doanh nghiệp bán lẻ và chiến thuật khuyến mại
Hứa Phương